(HNM) - Các chuyên gia dự báo, những bất ổn của kinh tế thế giới sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của các DN dệt may trong năm nay.
Năm 2011, vượt qua những khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành dệt may (DM) tiếp tục giữ vị trí đứng đầu cả nước với tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 13,8 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD, góp phần cùng cả nước giảm nhập siêu. Nhiều DN trong ngành đã đạt tăng trưởng cao về kim ngạch XK, như Tổng Công ty CP May Việt Tiến tăng 33%, DM Nam Định 22%, Nhà Bè 20%, Phong Phú 15%... Tuy nhiên, vào những tháng đầu năm 2012, hoạt động XK của ngành đã gặp không ít khó khăn do khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và chính sách tiết kiệm của Nhật Bản, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội DM Việt Nam, đến đầu tháng 2-2012, chỉ có khoảng 10% DN lớn có đơn hàng đến quý III và IV. Các đơn hàng đều điều chỉnh giảm số lượng xuống 20-30%. Những thương hiệu giá trị trung bình có mức giảm ít, trong khi những thương hiệu cao cấp lại giảm mạnh về số lượng. Cùng với những khó khăn do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, các DN còn phải đối mặt với những thách thức từ lạm phát cao trong nước và việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước láng giềng...
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng năm nay toàn ngành DM vẫn đề ra mục tiêu kim ngạch XK đạt 15 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Để thực hiện mục tiêu này, ngành DM đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó phấn đấu giảm dần sự phụ thuộc vào đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng XK theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng nguồn nguyên - phụ liệu sản xuất trong nước. Tập trung khai thác thế mạnh làm hàng chất lượng cao để tăng giá trị gia tăng; giao hàng đúng thời hạn, đáp ứng cả những đơn hàng số lượng ít, nhất là đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn môi trường... để giữ khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo, đánh giá thị trường, theo dõi sát tình hình thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản; tìm cơ hội và khai thác tại các thị trường tiềm năng, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đông Âu, Nam Mỹ, Trung Đông... nhằm gia tăng kim ngạch XK.
Tập đoàn DM Việt Nam cũng yêu cầu các DN thành viên chuẩn bị nguồn lực để khai thác hiệu quả ưu đãi từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; tham gia những hoạt động đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi ích của việc gia nhập Liên đoàn tập hợp các nhà sản xuất sợi dệt trên toàn thế giới. Những thị trường nhỏ chưa có thương hiệu nổi tiếng cũng là cơ hội để ngành đẩy mạnh XK ODM, nâng tỷ trọng sản phẩm ODM trong các đơn hàng từ 5% của năm 2011 lên 15% vào năm 2015 và 20% năm 2020.
Không chỉ chú trọng vào XK, ngành DM sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa, phát triển thương hiệu và mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Phát triển hệ thống tiêu thụ về các địa phương, vùng nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trung, cao cấp theo chuyên ngành quản lý, công nghệ, nhất là đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang chất lượng cao; đào tạo gắn với quy hoạch phát triển theo vùng, miền; áp dụng phương pháp quản lý tinh gọn, quản lý chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN về mọi mặt. Thêm vào đó, ngành DM sẽ tập trung đổi mới, sắp xếp DN, thực hiện cổ phần hóa, nhằm "gọi" vốn đầu tư từ nước ngoài và khu vực tư nhân, tăng cường nguồn lực cho các DN DM trong nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.