Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì, bắt đầu từ đâu ?

Hoàng Thu Vân| 18/04/2012 06:45

(HNM) - Ở thời điểm hiện tại, cụm từ

Vì vậy, "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế giai đoạn 2011-2012 và định hướng đến 2020" do Bộ KH-ĐT soạn thảo và trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (dự kiến vào ngày 19-4) trước khi trình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ ba (tháng 5-2012) là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước hết, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là việc làm mang tính chiến lược, tác động bằng chính sách và các công cụ, biện pháp kích thích, điều tiết nhằm điều chỉnh lại nội dung, tính chất và phương hướng hoạt động của các ngành, các lĩnh vực nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng bộ phận (ở các cấp độ khác nhau) và của chung toàn bộ nền kinh tế. Điều đó có liên quan mật thiết tới các cơ chế, thể chế vận hành và quản lý đối với các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền và tổng thể nền kinh tế quốc gia. Như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế là làm thay đổi nội dung và tính chất của từng bộ phận và mối quan hệ tương tác giữa các bộ phận hoặc một số bộ phận của nền kinh tế để nền kinh tế vận hành, phát triển về lượng và chất ở một trình độ cao hơn, hoàn thiện hơn so với hiện tại.

Trên thực tế, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững thì cần phải phát triển ba trụ cột gồm: thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng. Đây chính là những vấn đề mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI coi là đột phá chiến lược trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2012 đã là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhưng cho tới thời điểm này chúng ta mới chỉ tập trung ưu tiên cho các giải pháp tình thế nhằm đối phó với những tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế thay vì triển khai các giải pháp trung hạn và dài hạn. Do vậy, ba khâu đột phá nêu trên, trong đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh chưa được đầu tư đúng mức cả về trí lực và vật lực.

Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN nhà nước còn rất thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. 10 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn của khu vực DN nhà nước mới ở mức dưới 6% trong khi với các DN FDI con số này luôn duy trì ở mức trên 10%. Thực trạng tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính. Vai trò điều tiết vĩ mô còn hạn chế, chưa bắt kịp xu hướng của kinh tế thị trường, năng lực quản trị DN nhà nước còn yếu kém, bất cập… Cùng với đó, cơ chế lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư cho các ngành, các địa phương nói chung và các dự án cụ thể nói riêng còn dàn trải, thiếu hợp lý…

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 12 nhóm giải pháp, trong đó có 3 nhóm lĩnh vực cần "đổi mới cơ chế"; 4 nhóm lĩnh vực cần "nâng cao"; 3 nhóm lĩnh vực cần "xây dựng, thực hiện" và cuối cùng là 2 mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển của Việt Nam, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là cần nhanh chóng tập hợp ý kiến, phân tích dựa trên thực tế và cơ sở khoa học để đưa ra kết luận làm rõ nội hàm của "tái cơ cấu nền kinh tế" phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, vì sao phải làm và làm vì mục đích gì, lộ trình thực hiện ra sao…?

Không thể "tái cơ cấu nền kinh tế" chỉ bằng cách… nhắc đi nhắc lại cụm từ này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì, bắt đầu từ đâu ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.