(HNM) - Đã có nhiều chương trình hành động được triển khai nhằm ngăn chặn và xử lý các trường hợp lạm dụng trẻ em. Tuy vậy, các hoạt động này chủ yếu chỉ hướng tới ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, lao động và buôn bán trẻ em.
Hình thức lạm dụng ngày càng tinh vi
Trẻ em cần được bảo vê, chăm sóc. Ảnh: Khánh Nguyên
So với các hình thức lạm dụng thân thể, lạm dụng tình dục, vấn đề trẻ em bị bỏ mặc, không được chăm sóc ít được cộng đồng quan tâm. Có chăng chỉ là những cảnh báo, kiểu như trẻ bị bỏ đói, mặc rét… vốn có mối liên hệ khăng khít với cuộc sống đói nghèo. Hiện nay, có một thực tế là, cha mẹ tạo dựng cho con cái cuộc sống quá dư thừa về vật chất nhưng lại rất thiếu tình cảm. Sự giao tiếp truyền thống giữa ông bà, bố mẹ, con cháu bị thu hẹp, thậm chí còn bị hạn chế nếu ông bà ở quê hoặc không sống chung. Theo kết quả điều tra mới nhất, tỷ lệ người cao tuổi sống chung với con cái giảm, từ 79,73% mười năm trước xuống còn 62,61%; số hộ gia đình "khuyết thế hệ" do dòng di cư từ nông thôn ra thành thị cũng tăng. Ở thành phố, do sức ép của công việc, bố mẹ thường gặp con trong tình trạng quá mệt mỏi để biểu hiện lòng yêu thương. Những căn phòng đầy đủ tiện nghi của những ngôi nhà nhiều phòng lộng lẫy làm cho cơ hội giao tiếp giữa bố mẹ và con trở nên ít thường xuyên hơn. Điều khó tránh khỏi là trẻ bị bỏ mặc một cách vô thức. Trong nghiên cứu của UNICEF mang tên "Lạm dụng trẻ em ở Việt Nam", khi được hỏi "Nếu được ước, cháu ước gì?", một em trai 12 tuổi đã trả lời: "Cháu ước bây giờ nghỉ hè chỉ một tháng. Vì 3 tháng nghỉ hè, cháu toàn bị bố mẹ khóa cửa nhốt trong nhà, không cho đi đâu chơi. Hai ba tuần mới được đi chơi công viên hay nhà người quen… Nhà cháu nhiều đồ chơi, có cả game nhưng cháu vẫn thích chơi với các bạn hơn". Tách biệt trẻ ra khỏi nhóm bạn cùng lứa tại cộng đồng được người lớn giải thích là để tránh các tệ nạn và thói hư tật xấu, nhưng lại không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Một vấn đề đáng lo ngại là việc khiển trách, mắng mỏ, làm nhục trẻ em trước đám đông được coi là chuyện bình thường trong gia đình và trường học. Chẳng hạn, một em gái 12 tuổi kể, "các bạn học kém trong lớp thường bị cô giáo mắng trước lớp… kiểu ngu như bò, ăn gì mà ngu thế". Một phụ huynh trong nghiên cứu trên cũng cho biết : "Các cháu kể lại rằng hai bạn học kém nhất lớp luôn bị cô giáo mắng và bảo về nói với bố mẹ chuyển trường khác mà học. Trong khi họp phụ huynh, cô giáo cũng gợi ý nếu các cháu không theo được thì tốt nhất là bố mẹ nên chuyển cháu sang trường khác". Việc làm này khiến các em có mặc cảm mình là trẻ "loại 2" trong xã hội.
Sức ép học tập trên vai trẻ hiện nay cũng là một kiểu lạm dụng trẻ em. Một bé gái 14 tuổi tâm sự: "Học kỳ II cháu không được học sinh giỏi, bố cháu đánh cháu. Vì những năm trước, cháu đều là học sinh giỏi. Cháu lo lắm, nếu năm tới cháu không là học sinh giỏi, cháu không biết sẽ thế nào. Càng lên lớp trên học càng khó. Có khi cháu không dám ở nhà nữa". Thực tế, đã có những em bé quyên sinh do không đạt được kết quả học tập như bố mẹ mong muốn. Còn hình ảnh cha mẹ mắng mỏ con, thậm chí thẳng tay đánh, tát con trước cổng trường giờ tan học ngay khi biết con bị điểm kém vẫn xảy ra.
Sai lầm từ nhận thức
Khái niệm lạm dụng trẻ em vẫn bị ảnh hưởng bởi lễ giáo phong kiến và phong tục truyền thống nên việc mắng nhiếc, sỉ nhục, dùng hình phạt về thân thể và tinh thần để giáo dục trẻ được coi là đương nhiên và không bị cộng đồng lên án. Các hình thức bỏ mặc, ép buộc, lạm dụng về tâm lý, cảm xúc thường bị né tránh và coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình. Quản lý con cái bằng các biện pháp phi sư phạm như đánh đập, đọc trộm nhật ký của con không hề được coi là lạm dụng. Các hình thức trên thậm chí còn được coi là cách chăm sóc đặc biệt để trẻ tránh các tệ nạn xã hội. Với nhận thức như vậy, những ứng xử của cộng đồng chống lại việc lạm dụng, ngược đãi trẻ em rất yếu ớt. Trên thực tế, có nhiều người cho rằng bản thân trẻ không có quyền được phán xét hành vi của người lớn, đặc biệt là những người ruột thịt trong gia đình. Họ cho rằng, nếu chiều theo ý thích của trẻ thì không dạy dỗ gì được; trẻ em phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ vì bố mẹ chỉ muốn tốt cho các con; những hành động của người lớn dù đối xử có quá đi nữa nhưng mục đích tốt thì vẫn không là lạm dụng… Ý kiến đánh giá hành vi lạm dụng hay không phải dựa vào mục đích của người lớn được rất nhiều người lớn tán đồng. Và như vậy, khái niệm lạm dụng trẻ em phụ thuộc vào mục đích của người gây ra hành động chứ không phải là phụ thuộc vào những tác hại mà trẻ em phải hứng chịu. Từ nhận thức như vậy, trẻ em khó có thể được đối xử công bằng và tổn hại do thực hiện mục đích của người lớn gây ra với thế hệ tương lai là thường trực.
Lạm dụng trẻ em cả về hình thức và mức độ nguy hại trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược ngăn ngừa, can thiệp và xử lý tình trạng lạm dụng trẻ em đã trở nên bức thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.