Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Bài và ảnh: Hoàng Sơn| 20/02/2022 05:09

(HNNN) - “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời dạy của Bác Hồ, 63 năm qua (1959 - 2022), cứ mỗi độ Tết đến xuân về, toàn Đảng, toàn dân ta lại tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Tiếp nối truyền thống đó, đầu xuân Nhâm Dần 2022, hàng triệu cây xanh được nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước trồng mới phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm cải tạo cảnh quan thiên nhiên vì một Việt Nam xanh.

Huyện Quốc Oai tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm Nhâm Dần 2022.

1. Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân trồng cây, gây rừng. Từ đó, trồng cây đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, làm cho đất nước ngày càng xanh tươi. Đặc biệt, ngay Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng Xuân, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” đầu tiên và Người đã cùng nhân dân Thủ đô trồng cây đa ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân và cán bộ tham gia lao động, Người căn dặn phải trông nom, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, “việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Trong một bài viết trên Báo Nhân Dân về “Tết trồng cây” ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua trồng nhiều cây nhằm mục đích lớn lao đó là tạo ra giá trị vật chất và môi trường cho xã hội, bởi theo Người: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”.

Đã hơn 60 năm, cây đa Bác trồng nay vẫn tỏa bóng xanh ngát và không ngừng vươn lên như biểu tượng cho sức sống trường tồn của một nhân cách thanh cao, giản dị, tràn đầy lòng yêu thiên nhiên, đồng bào và đất nước. Và không biết tự bao giờ, cây đa đã trở thành không gian thư giãn của người dân trong khu vực, cũng như điểm đến của mỗi du khách khi ghé thăm Công viên Thống Nhất. Cây đa đó luôn được cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất đặc biệt quan tâm, chăm sóc cẩn thận, với tình cảm thiêng liêng và trân trọng.

Với ý nghĩa lớn lao đó, “Tết trồng cây” ngày càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

2. Tự hào là địa phương mở đầu phong trào “Tết trồng cây” trong cả nước, từ đó đến nay, năm nào Hà Nội cũng triển khai “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Trong 63 năm qua, toàn thành phố đã trồng được hàng triệu cây xanh; trồng và chăm sóc gần 20.000ha rừng. Đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình trồng mới 1,6 triệu cây xanh, vượt mục tiêu đề ra, giúp nhiều tuyến phố Thủ đô khoác lên mình màu xanh tươi mới. Không chỉ tiếp tục nhân rộng những loài cây như lát hoa, sao đen, chiêu liêu, bàng lá nhỏ..., phố phường Hà Nội thêm đẹp hơn với hàng cây ban nữ hoàng, muồng hoàng yến... Ấn tượng nhất phải kể đến những tuyến phố cửa ngõ, hay trục đường xuyên tâm của thành phố, cây xanh được trang trí thành nhiều tầng, lớp. Tầng cao là các loại chiêu liêu, bàng lá nhỏ; tầng giữa là cọ dầu, ban hoàng hậu; tầng thấp nhất là cây tường vi, bụi dâm bụt, thảm cỏ... Ngoài ra, trong giai đoạn này, 7 huyện, thị xã có rừng cũng trồng mới và trồng bổ sung được gần 1.600ha rừng, trong đó 1.271ha rừng sản xuất, 369,71ha rừng phòng hộ, góp phần tạo ra “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô.

Tuy đạt được những kết quả tích cực: Thành phố đã xanh - sạch - đẹp hơn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống công viên cây xanh ở Hà Nội chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị, chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, tỷ lệ cây xanh, cây hoa trên một số địa bàn còn ít; hệ thống vườn ươm còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại cây còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cây xanh thành phố; diện tích rừng trồng mới hằng năm còn thấp, chất lượng cây rừng chưa cao... Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xây dựng đề án quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn. Theo đó, cây xanh sẽ được trồng theo chương trình, kế hoạch, trồng theo tuyến phố, chủng loại cây, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế...

3. Phát huy truyền thống “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, ngày 1-4-2021, Chính phủ ban hành Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của đề án đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước, hướng tới vì một Việt Nam xanh.

Ngay trong năm đầu triển khai đề án, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, tỷ lệ cây xanh và diện tích rừng trồng mới tăng cao... Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch và tăng 1,5 lần so với năm 2020. Một số địa phương đạt kết quả tốt như Ninh Thuận trồng gần 9 triệu cây xanh, Nghệ An 7,3 triệu cây, Thanh Hóa 5,3 triệu cây, Lâm Đồng 4 triệu cây, Hà Tĩnh 3,3 triệu cây, Quảng Nam 3 triệu cây, Cà Mau 3 triệu cây, Cao Bằng 3 triệu cây, Phú Thọ 1,5 triệu cây...

Tại Hà Nội, không chỉ hưởng ứng tích cực đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố còn xác định phát triển đô thị xanh, trọng tâm là trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường, trong năm 2021, toàn thành phố đã trồng được hơn 600.000 cây xanh phân tán, trong đó khoảng 300.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ, còn lại là cây ăn quả... Năm 2022, Thành phố đặt mục tiêu trồng mới 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông; 200.000 cây ăn quả; trồng mới 80ha rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, đồng thời tạo cảnh quan, không gian xanh và ngăn gió, chống bụi, chống ồn... cho Thủ đô.

Xuân mới đã đến, nhớ lời Bác dạy, nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng cả nước lại tích cực tham gia “Tết trồng cây” để “đất nước càng ngày càng xuân”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.