Cùng gửi lượng tiền bằng nhau, kỳ hạn như nhau tại một ngân hàng, khách này hưởng 9% trong khi người khác là 10%, anh Thanh (quận 6, TP HCM) bức xúc kể với PV về sự bất công của quy định trần lãi suất.
Anh Thanh, ở quận 6, TP HCM bức xúc kể với PV về sự "bất công" của quy định trần lãi suất. Thứ Sáu tuần rồi anh gửi một tỷ đồng kỳ hạn một tháng tại ngân hàng cổ phần lớn trụ sở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, lãi suất tối đa là 9%.
Trong khi đó, ngày 9/7, bạn của anh đến gửi một tỷ đồng, kỳ hạn một tháng cũng tại nhà băng này thì được hưởng lãi suất tới 10%. Để hợp thức hóa khoản chênh lệch này, trên sổ tiết kiệm, ngân hàng vẫn ghi là 9%, còn 1% kia được ghi qua một hợp đồng phụ khác và số tiền sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của người gửi.
Nhiều ngân hàng treo biển lãi suất dài hạn 12%, và âm thầm trả lãi suất ngắn hạn trên 9%. Ảnh: Lan Anh
"Như vậy, quy định trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn chỉ làm thiệt thòi cho những khách hàng luôn tuân thủ quy định và không biết mặc cả. Còn những người chịu khó kèo nài lại được hưởng lãi cao", anh nói.
Tại hội sở của một ngân hàng cổ phần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM, các nhân viên cũng chỉ e dè thông báo đúng trần 9% đối với người lạ đến gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn, còn khách hàng quen thì được nâng lãi suất lên đến 10,5%, thậm chí 11%, tùy số tiền gửi.
Chị Lan, một khách hàng quen của nhà băng này cho biết, gửi số tiền càng lớn thì lãi suất được cộng thêm càng nhiều. "Hôm nay tôi gửi 2 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng, được hưởng lãi suất lên đến 11%. Số lãi dư ra 2% này sẽ được nhà băng giao tiền mặt ngay lúc gửi. Nếu người lạ, muốn đến gửi tiền thì phải được khách hàng cũ dắt đến”, chị bật mí.
Trong khi đó, lãnh đạo một nhà băng cổ phần lớn tại TP HCM cũng tiết lộ, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng không chỉ quy mô nhỏ mà ngay cả lớn hiện cũng đang dao động từ 10% đến 11% một năm, tùy từng đối tượng khách hàng.
"Khi nhà băng nào đó huy động lãi suất 9% mà không được thì chắc chắn phải quay sang với lãi suất cao hơn chứ không thể ngồi yên đó nhìn ngân hàng bạn hút vốn", ông nhận xét.
Nhiều ngân hàng tại Hà Nội cũng tung chiêu hút khách trong bối cảnh ngày một ế ẩm. Theo quan sát của PV trong sáng 9/7, đã gần 10h nhưng phòng giao dịch tại hầu hết các nhà băng trên phố Trung Yên đều khá vắng vẻ. Lượng người đến gửi tiền thưa thớt, khác hẳn thời điểm này của vài tháng trước đây, khi trần lãi suất còn neo ở 14% một năm.
Để giữ chân khách gửi tiền, các nhà băng không ngại ngần chọn phương thức tặng tiền mặt cho khách hàng. Như tại VietA Bank và VIB, khách gửi tiền vừa được quay số trúng thưởng vừa nhận lại tiền mặt khi cào thẻ may mắn. VIB còn cam kết 100% thẻ cào đều trúng thưởng (giá trị tiền mặt từ 40.000 đồng đến 10 triệu đồng).
Một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô khá lớn là Techcombank cũng "săn" khách hàng bằng chương trình tặng quà cho người giới thiệu khách hàng. Theo đó, 1.000 khách hàng đầu tiên giới thiệu danh sách 10 người thân cho ngân hàng (bao gồm tên, số điện thoại, chứng minh thư) sẽ nhận được quà tặng với giải thưởng cao nhất lên tới 20 triệu đồng.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã cấm các nhà băng trả lãi cao cho người gửi tiền rút trước hạn nhưng hiện nay nhiều ngân hàng vẫn vô tư áp dụng. Nhân viên giao dịch tại một ngân hàng trên phố Xã Đàn cho biết, để thu hút khách gửi tiền, nhà băng này cho phép khách rút tiền trước 12 tháng (ít nhất sau một tháng). Lãi suất một tháng này sẽ được hưởng toàn bộ 12% một năm (theo biểu phí dành cho kỳ hạn 12 tháng), thời gian còn lại sẽ được tính theo lãi suất 9% như kỳ hạn ngắn.
Tại cuộc họp sơ kết toàn ngành ngân hàng hôm 7/7, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có xu hướng dịch chuyển từ ngân hàng quy mô nhỏ sang nhà băng lớn.
Do vậy, các ngân hàng nhỏ dùng mọi chiêu khuyến mại như tặng quà, cào thẻ trúng tiền. Từ những vật dụng như áo mưa, cốc, chén, bộ bát sứ, móc chìa khóa đến bấm móng tay đều có thể trở thành quà tặng của ngân hàng để níu chân khách.
Xác suất để trúng thưởng của các chương trình này rất cao. Anh Lê Tuấn (một khách hàng gửi tiền tại MaritimeBank trên phố Thái Thịnh) cho biết, cả 3 lần đi gửi tiền trong cùng một tuần anh đều trúng thưởng khi bốc thăm.
Nhìn nhận về thực trạng trên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, áp trần lãi suất là một biện pháp hành chính. Mà một khi đã là hành chính thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra trường hợp lách chứ không thể theo sự chi phối của thị trường.
Theo ông Dương, vẫn còn một số nhà băng nhỏ đang đối mặt giữa sự sống và cái chết thanh khoản. "Một khi những nhà băng nhỏ này lách trần để hút vốn cứu thanh khoản thì nhà băng lớn tuy thừa vốn nhưng cũng không thể ngồi yên để mất khách hàng, buộc phải lách theo. Điều này khiến cho cả ông nhỏ lẫn ông lớn đều đua nhau vượt trần lãi suất", Tiến sĩ Dương nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng phía Nam chia sẻ, trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay, khi chưa thể giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém thì việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng những biện pháp mang tính hành chính để quản lý thị trường là cần thiết.
Theo ông, với mục tiêu lạm phát năm nay chỉ khoảng 7-8%, thì mức lãi suất ngắn hạn 9% đã đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. "Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cấp ngành đều đang cố gắng kéo lãi suất cho vay xuống để cứu doanh nghiệp nên việc để lãi suất huy động tăng quá cao sẽ không tốt cho nền kinh tế", ông nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo vị tổng giám đốc này, nếu quy định trần trên không được giám sát chặt chẽ, chắc chắn sẽ tạo nên sự bất bình đẳng và thiệt thòi cho những người gửi tiền với lãi suất niêm yết theo quy định so với những cá nhân, tổ chức khác lách trần.
Trao đổi với PV, một quan chức Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thừa nhận trên thực tế khó tránh khỏi việc lách trần. Tuy nhiên, theo ông việc xử lý những ngân hàng "lách luật" này không đơn giản. Nguyên nhân là không phải lúc nào cũng bắt được tận tay sự thỏa thuận lãi suất chui của ngân hàng với người gửi tiền. "Mà những người có tiền gửi cũng chẳng có ai dại đến mức đi tố cáo nhà băng cho mình hưởng lãi suất cao", ông nói.
Quan chức này thông tin, thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vẫn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện lãi suất tại các nhà băng. "Nếu phát hiện trường hợp nào áp dụng lãi suất vượt mức quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc", đại diện này khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.