Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức thấp, song lượng tiền gửi tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2024.
Theo các chuyên gia, tính an toàn cho dòng tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa bứt phá, thị trường chứng khoán khó "lướt sóng", vàng được đánh giá đã lên ngưỡng kịch trần..., đã giúp kênh gửi tiết kiệm duy trì vị trí ưu tiên đối với giới đầu tư.
Tổng tiền gửi tăng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu đến cuối tháng 3-2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng thương mại là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), song lại giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (khoảng 70.000 tỷ đồng). Tiền gửi của dân cư chạm ngưỡng 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm 2024 và lập kỷ lục mới.
Riêng trong tháng 3-2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14%, tương đương hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Rõ ràng là sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng đã lấy lại xu hướng tăng.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm bảo đảm cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố gây bất lợi cho lãi suất bao gồm lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng biến động và nhiều thời điểm tăng mạnh...
Về phía người gửi tiền, bà Bùi Thị Bình (khu chung cư UDIC, đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ) cho hay, bà cũng như nhiều người gửi tiền vẫn lựa chọn kênh tiết kiệm, do lãi suất huy động đã nhích lên so với trước. Hơn nữa, với những người đã qua độ tuổi lao động, gửi tiết kiệm là giải pháp an toàn và đơn giản nhất.
Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tháng 6-2024 cho thấy, lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng đang tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với thời điểm đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 6-2024, mức lãi suất huy động cao nhất đạt hơn 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài và ở nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ.
Lãi suất được điều chỉnh tăng dần, theo đại diện các ngân hàng, là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong tháng đầu năm, nên ngân hàng cần thu hút dòng tiền trở lại. Thực tế là nguồn tiền nhàn rỗi của người dân chảy trở lại ngân hàng từ tháng 2 và 3-2024 khi lãi suất huy động tăng. Đây cũng được cho là nguyên nhân kéo kênh tiền gửi ngân hàng sôi động.
Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu do cầu tín dụng đã xuất hiện theo sự phục hồi của sản xuất, kinh doanh. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 20-6, tín dụng toàn ngành Ngân hàng tăng 4,17% so với đầu năm 2024. Song, áp lực tăng lãi suất sẽ không lớn do cầu tiêu dùng trong nước vẫn rất yếu. Dự báo, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể đạt 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra thị trường hơn 600.000 tỷ đồng, đưa dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng cao những tháng cuối năm sẽ tạo điều kiện cho lãi suất huy động nhích thêm, để hấp dẫn người gửi tiền. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, doanh số tín dụng mà các ngân hàng thương mại đã cung ứng ra nền kinh tế cao hơn doanh số tín dụng của cùng kỳ 3 năm trước.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, lãi suất tiết kiệm tăng vì các ngân hàng thương mại chuẩn bị thanh khoản đón đầu cầu tín dụng tăng trong các quý còn lại của năm.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay, lãi suất huy động dự báo tăng không quá 1% so với năm 2023.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ nay tới cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, điều hành lãi suất ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá VND/USD phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu của chính sách tiền tệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.