(HNMO) - Gần đây, một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động VND với mức phổ biến 0,1-0,3%/năm. Vậy, động thái này có là tiền đề để giảm lãi suất cho vay?
Theo biểu lãi suất của Nam Á Bank, tháng 4, nhà băng này điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,1%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng còn 6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 9 tháng trở lên hạ 0,2%/năm.
Cũng trong tháng 4, Techcombank đã hai lần giảm lãi suất tiền gửi, với mức phổ biến 0,2-,03%/năm. Trong đó, lãi suất tiết kiệm thường kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm 0,2%, xuống 4,7%/năm và 4,69%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến 9 tháng cũng được điều chỉnh giảm, còn 4,78%-5,69%/năm; các kỳ hạn 12 tháng đến 24 tháng được hưởng lãi suất 6,13-6,31%/năm.
Lãi suất huy động giảm nhưng chưa đủ để giảm lãi suất cho vay. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Biểu lãi suất mới của ACB niêm yết từ ngày 2-5 cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước, xuống 4,8%/năm đối với món gửi dưới 200 triệu đồng. Món gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng được hưởng lãi suất 4,9%/năm. Khách hàng gửi với số lượng bằng hoặc trên 1 tỷ đồng được hưởng lãi suất 5%/năm. Các kỳ hạn còn lại 6 tháng và 9 tháng có mức lãi suất 5,7%-5,9%/năm tùy số tiền gửi...
Lãi suất huy động giảm như trên được cho là bởi thanh khoản dồi dào. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước. Quý I-2018, tín dụng tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%.
Đến cuối tháng 4-2018, tín dụng tăng khoảng 4,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,6%). Chưa kể, một số ngân hàng muốn điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn để tăng nguồn vốn cho trung và dài hạn, giảm bớt nguồn vốn ngắn hạn, nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36 quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Điều dễ nhận thấy là, lãi suất huy động không đồng loạt giảm ở cả hệ thống mà chỉ diễn ra ở một số ngân hàng. Vì vậy, việc giảm lãi suất này chỉ là tạm thời chứ không mang tính xu hướng. Mặt bằng chung về lãi suất của các ngân hàng không giảm.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, về lâu dài, lãi suất đầu vào khó giảm bởi áp lực lạm phát năm nay cao, lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng. Lãi suất đầu vào giảm sẽ khiến kênh tiền gửi kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng. "Thế nên, lãi suất cho vay sẽ khó giảm", chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động giảm trong thời gian qua chưa đủ để lãi suất cho vay đi xuống. Lãi suất cho vay thời gian tới có giảm hay không phụ thuộc nhiều vào tình hình lạm phát. Nếu lạm phát tăng, có thể ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để khách hàng có mức lãi suất thực dương tốt hơn.
“Từ nay đến cuối năm, khả năng lãi suất tăng nhiều hơn là giảm nhưng chỉ tăng nhẹ”, chuyên gia này dự báo.
Sở dĩ ông Nguyễn Trí Hiếu dự báo như vậy vì mặc dù 4 tháng năm 2018 tình hình lạm phát được kiểm soát tốt nhưng từ nay đến cuối năm việc kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn bởi giá dầu thế giới đang đi lên (giá dầu thô hiện gần 71 USD thùng/thùng-mức cao trong vài năm trở lại đây). Giá dầu thế giới tăng sẽ đẩy giá xăng, dầu trong nước tăng. Đây là mặt hàng đầu vào của nhiều ngành nghề và là mặt hàng tiêu dùng quan trọng của người dân nên giá xăng, dầu tăng sẽ khiến lạm phát đi lên.
Cùng quan điểm trên, tại một báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhìn nhận, mặc dù yêu cầu được đặt ra là không tăng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhưng khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, cộng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới.
“Lạm phát có thể tăng nhẹ so với tháng 4 do nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống có thể sẽ tăng trưởng về mặt chỉ số trong bối cảnh tháng 5 là khoảng thời gian bắt đầu của mùa du lịch; nhóm hàng xăng, dầu chịu tác động từ xu hướng giá dầu thế giới tăng”, SBC bày tỏ quan điểm.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm trước nên việc giảm lãi có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn nhằm giữ lãi suất ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.