(HNM) - Tại hội nghị ngành ngân hàng vừa diễn ra tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đặt mục tiêu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất đối với những khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm. Liệu các DN có sớm "chạm" mức lãi suất này hay chỉ dừng lại là mục tiêu của NHNN?
Lãi suất vay ngân hàng giảm sẽ thực sự hỗ trợ được các doanh nghiệp. Ảnh: Đàm Duy |
Theo NHNN, 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với thời gian cuối năm 2011, trong đó lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 12 tháng giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm khoảng 3-6%/năm, tập trung chủ yếu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh. Hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ là 11-13%/năm, sản xuất, kinh doanh khác: 14-17%/năm. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, giúp lãi suất trên thị trường liên ngân hàng "hạ nhiệt", giảm 8-9%/năm. Riêng tuần cuối của tháng 6, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm thấp nhất là 6,67%/năm, cao nhất là kỳ hạn trên 12 tháng: 13,47%/năm.
NHNN nhận định, lãi suất cho vay bằng VND dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt tỷ lệ dư nợ có lãi suất cao còn lớn. Đơn cử như mức lãi suất phổ biến các ngân hàng áp dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không thuộc diện ưu tiên, dao động trong khoảng 14-17%/năm, còn lãi suất tiêu dùng là 16-20%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nếu so với thời điểm lãi suất cho vay vượt 23%/năm, thậm chí là 24%/năm, nhưng trên thực tế, không có nhiều DN "với" tới được mức lãi suất 14%/năm hay 15%/năm. Hầu hết các DN hay cá nhân vay sản xuất, kinh doanh dưới hình thức thế chấp tài sản (nhà xưởng, bất động sản...) đều phải vay với lãi suất phổ biến là 18%/năm. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức lãi suất như vậy vẫn quá cao.
Đại diện một DN ở Hà Nội thừa nhận, DN gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng do hàng tồn kho lớn vì bí "đầu ra". Bởi vậy, mức lãi suất cho vay 18%/năm chưa thực sự hỗ trợ DN. Nhiều DN cũng thắc mắc, nếu trần lãi suất huy động VND của NHNN là 9%/năm thì mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng là quá lớn. Ngoài ra, khoảng cách giữa lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dài trên 12 tháng (khoảng 12%/năm) với lãi suất cho vay (18%/năm), cũng khá lớn. Trong khi theo tính toán, với mức chênh giữa 2 loại lãi suất khoảng 3,5%, ngân hàng đã có lãi. Bên cạnh đó, những quy định cho vay của ngân hàng đối với DN cũng khá khắt khe, không phải DN nào có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng có thể được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Đại diện các ngân hàng lại cho rằng, việc ngân hàng đưa ra những quy định cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn tín dụng. Con số nợ xấu ngân hàng chiếm tới 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2012 (cuối năm 2011 là 3,07%) khiến ngân hàng phải tính toán đến việc "siết" lại quy định cho vay.
DN khó vay, ngân hàng không tìm được DN đủ điều kiện để cho vay dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp, chỉ đạt 0,76% so với cuối năm 2011. Do vậy, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm là 8-10%, DN và ngân hàng cần có thêm tiếng nói chung. Theo lãnh đạo NHNN, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Trước mắt, NHNN sẽ làm việc ngay với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng để tìm giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có giải pháp hợp lý xử lý nợ xấu của DN và ngân hàng tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.
Với những giải pháp đồng bộ, các DN và người dân đều kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận mức lãi suất 15%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.