(HNMO) - Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3%-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, cơ quan này cho biết, thời gian qua, thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên ngân hàng (LNH) tăng mạnh trong tuần từ 4/4 đến 8/4 tại tất cả các kỳ hạn (tăng 1 điểm % so với tuần cuối tháng 3).
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Nguyên nhân xuất phát từ nhóm các ngân hàng thương mại có tỷ lệ LDR (cho vay so với vốn huy động) và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh Thông tư 36. Ngoài ra, lãi suất LNH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 bởi các ngân hàng đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3%-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số ngân hàng thương mại nâng lãi suất cho vay dài hạn (từ 12-60 tháng) lên tới 11,5%. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6% -7%/năm đối với ngắn hạn và 9% -10,5%/năm cho trung và dài hạn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tuần cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị, lộ trình điều chỉnh Thông tư 36 cần được xem xét và có giải pháp thích hợp cho các tổ chức tín dụng đang có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cao vượt mức dự kiến điều chỉnh. Trong bối cảnh đầu tư tư nhân đang gặp những khó khăn, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2016 để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.