(HNMO) - Lãi suất cho vay bằng VND các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay giảm rõ rệt. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-6%/năm, 5,5-7%/năm đối với trung và dài hạn.
Như vậy, so với thời điểm trung tuần tháng 10 vừa qua, các mức lãi suất cho vay bằng VND đã giảm phổ biến 1-2%/năm.
Lãi suất giảm như vậy là dễ hiểu khi từ ngày 29/10, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; đồng thời, họ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm sau khi Ngân hàng Nhà nước “ra lệnh”. Như vậy, rõ ràng các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi đã tạo điều kiện để lãi suất cho vay hạ xuống.
Theo nhận định của các chuyên gia, với việc lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn, đặc biệt khi mà thời điểm này doanh nghiệp rất cần vốn để sản xuất và nhập hàng phục vụ Tết nguyên đán. Vốn rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ vay nhiều hơn, đồng nghĩa với tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Thông thường, tín dụng tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm. Vì thế, đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế mới tăng 7,85% nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2014, ngành sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% như đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.