Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất cho vay khó giảm!

Hà Linh| 11/02/2017 07:24

(HNM) - Nguồn cung tiền tăng do nhiều người dân mang gửi đã giúp ngân hàng có thêm lượng lớn vốn nhàn rỗi và nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất cho vay trong những tháng tới. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó giảm! Vì sao như vậy?


Lãi suất huy động hiện khá ổn định nhưng lãi suất cho vay sẽ khó giảm.Ảnh: Khánh Huy


Lãi suất huy động ổn định

Nhìn vào bảng niêm yết lãi suất huy động VND của các ngân hàng, có thể thấy rõ hiện tại con số này khá ổn định. So với thời điểm trước, lãi suất hầu như không biến động. Chẳng hạn, tại Ngân hàng BIDV, lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn đều không được điều chỉnh so với trước Tết Nguyên đán, nên kỳ hạn 1-6 tháng, lãi suất là 4,3-5,3%/năm, 9 tháng: 5,5%/năm, 12 tháng: 6,9%/năm. Còn tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng là 4,3-5,3%/năm, 9 tháng: 5,5%/năm, trên 12 tháng: 6,5%/năm. Những ngân hàng khác như LienVietPostBank, ABBank... cũng giữ nguyên mức lãi suất huy động áp dụng từ thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Mặc dù lãi suất huy động không tăng, nhưng với hầu hết người dân, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt nhất, bởi đây là kênh giữ tiền an toàn. Trong bối cảnh giá vàng không có quá nhiều biến động, khó "lướt sóng" để thu lời, thị trường chứng khoán càng ngày càng đòi hỏi những người thực sự hiểu và đầu tư thời gian, bất động sản khó nắm bắt... thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt.

Với mức lãi suất huy động VND như hiện nay mặc dù không cao như kỳ vọng của hầu hết người gửi tiền, nhưng đây được coi là khoản lợi nhuận rõ ràng, không có rủi ro. Hơn nữa, khi chọn kênh ngân hàng, người gửi tiền cũng không phải dành quá nhiều thời gian tìm hiểu, tính toán mà vẫn thu được lợi nhuận. Dự báo cả năm 2017, gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ tiếp tục là kênh được nhiều người nhắm tới thay vì USD, bởi USD vẫn đang được áp dụng mức lãi suất 0% theo chính sách chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cộng với những bất lợi từ các kênh đầu tư khác.

Nhiều vấn đề khách quan cũng như nội tại

Dự báo, lãi suất huy động VND có xu hướng ổn định trong suốt năm 2017. Vậy, lãi suất cho vay liệu còn dư địa để giảm? Trên thực tế, nếu muốn giảm lãi suất cho vay thì cần phải giảm lãi suất "đầu vào", tức là lãi suất huy động. Nhưng, trong điều kiện lãi suất huy động ổn định, khó giảm thêm thì lãi suất cho vay cũng khó có điều kiện giảm. Thực tế đã cho thấy, khó có điều kiện để đưa lãi suất cho vay xuống thấp hơn vì những vấn đề khách quan, cũng như nội tại của nền kinh tế. Việc duy trì mặt bằng lãi suất như trong năm 2016 sẽ gặp một số thách thức như lạm phát có khả năng tăng trong năm 2017, lãi suất USD trên thị trường thế giới dự kiến tăng, áp lực từ tỷ giá, nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém... Đặc biệt, tác động từ việc áp dụng quy định của Thông tư 06 của NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ ngày 1-1-2017 sẽ khiến các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khó có thể giảm lãi suất vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất USD. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng trong nước đang là 0%/năm, lãi suất USD ở Mỹ tăng sẽ kích thích sự chuyển dịch dòng ngoại tệ trong nước "chảy" ra ngoài. Bởi vậy, cần thiết tính đến khả năng nâng lãi suất USD trở lại nhằm ngăn chặn nguy cơ này; nhưng nếu lãi suất USD tăng, lãi suất VND sẽ bị đẩy lên để tránh tình trạng người gửi tiền chuyển từ gửi tiết kiệm VND sang USD. Ngoài ra, vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đẩy chi phí hoạt động lên cao, ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù dự báo khó có khả năng hạ lãi suất trong năm nay, nhưng mới đây Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Năm 2017, dự báo lạm phát gia tăng trở lại, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành tiếp tục lớn... sẽ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là điều hành lãi suất khó khăn. Tuy nhiên, NHNN đặt mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với đối tượng và kỳ hạn cụ thể. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thông qua thị trường liên ngân hàng, qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở điều tiết thanh khoản và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý để các tổ chức tín dụng nếu có khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải huy động trên thị trường 1 (thị trường diễn ra hoạt động huy động và cho vay giữa các ngân hàng thương mại và người dân), làm tăng lãi suất trên thị trường 1. NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí hoạt động ngân hàng để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Về phía ngân hàng, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối vốn Vietcombank Phạm Thanh Hà khẳng định, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên Vietcombank sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, áp dụng từ ngày 15-3-2017. Theo đó, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất cho vay khó giảm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.