Sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố lãi suất cho vay bình quân.
Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) có lãi suất cho vay bình quân tháng 3 là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm; trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế 3,75%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) niêm yết lãi suất cơ sở chia theo mục đích vay cũng như thời gian giải ngân. Cụ thể, nếu vay mua bất động sản giải ngân năm 2024, lãi suất cơ sở là 9%/năm nhưng nếu giải ngân từ 2023 lãi suất là 10%/năm, giải ngân từ 2019-2022 lãi suất cơ sở là 11%/năm, còn giải ngân trước 2019 lãi suất là 11,5%/năm.
Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất vay cơ sở với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm; 10-12 tháng là 7,7%/năm; trung - dài hạn là 8,5%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống là 8,7%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng lãi suất cơ sở này được áp dụng đối với các khoản vay có lãi suất tại kỳ tái định được tính theo biểu lãi suất cho vay tại ACB.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.