(HNM) - Vụ việc 3 trẻ nhỏ tại Khánh Hòa tử vong sau khi được phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng vừa qua khiến nhiều người không khỏi đau xót.
Đáng chú ý là các ca phẫu thuật này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí, do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều vấn đề đã dần hé lộ. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh hoạt động của OSCA đang chờ làm rõ...
Ngay sau khi vụ việc thương tâm xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra hoạt động của OSCA. Tại thời điểm kiểm tra, trung tâm này đóng cửa, không hoạt động. Theo nội dung buổi làm việc của Giám đốc OSCA Phạm Văn Ái với chính quyền cơ sở (UBND phường Phương Mai, quận Hai Bà Trưng) trước đó, trung tâm đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo giấy chứng nhận do Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cấp. Theo đó, trung tâm được phép thực hiện kỹ thuật "chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; y học thẩm mỹ và tạo hình. Đối với những lĩnh vực có điều kiện theo quy định pháp luật, trước khi thực hiện phải được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Điều đáng chú ý, ông Phạm Văn Ái và người trực tiếp gây mê cho 2 trong 3 trẻ tử vong chưa được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề. Tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-8, đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định chưa nhận được hồ sơ về việc trung tâm này xin cấp phép khám chữa bệnh cũng như chưa thực hiện khám chữa bệnh. Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến thời điểm này, ông Phạm Văn Ái đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng cho hàng nghìn lượt bệnh nhân trên cả nước.
Tai biến trong khám, chữa bệnh là điều khó tránh khỏi, vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí ngay cả khi người hành nghề thực sự có nghề và đã tuân thủ các quy định chuyên môn, kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn đến tai biến trong vụ việc hết sức nghiêm trọng nêu trên đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, bức xúc ở đây là tại sao một trung tâm chưa được cấp phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ với một người đứng đầu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề lại có thể dễ dàng thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật từ thiện dù rằng "đều thành công" - theo đánh giá của cơ quan chức năng. Phải chăng vì "núp" dưới danh nghĩa từ thiện, nhân đạo mà OSCA dễ dàng "qua mặt" các cơ quan quản lý?
Trong những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, trong đó khuyến khích cá nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động không vì lợi nhuận. Hoạt động nhân đạo trong lĩnh vực này có ý nghĩa xã hội lớn, đặc biệt tại những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có quyền đề nghị được tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Vấn đề còn lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương. Và trong mọi trường hợp, không được phép khám bệnh, chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề.
"Lỗ hổng" trong quản lý hoạt động "vụ OSCA" đã rõ. Nếu như không phải vì cái danh hoạt động nhân đạo, từ thiện, hẳn OSCA phải có những "chiêu" lách luật tinh vi... Nếu không, không thể có chuyện hàng nghìn ca phẫu thuật từ thiện được OSCA tổ chức, diễn ra trong một thời gian dài. Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào cần được chỉ ra cụ thể: Ở đây, có thể thấy vai trò không thể chối bỏ của ngành y tế cũng như chính quyền địa phương, cụ thể là các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa. Quan trọng hơn cả, vụ việc thương tâm này cho thấy công tác quản lý hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo đang có rất nhiều lỗ hổng và cần phải siết chặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.