(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà cuộc ra mắt ấn phẩm
"Thuở nhỏ khi sống ở Hà Tây, tôi thường ngắm nhìn những bà cụ bận váy sồi vuông, thắt bao tượng xanh, yếm trắng… Các bà cụ ấy như một bảo tàng nhân học và văn hóa di động"; "Cuộc sống thay đổi chóng mặt trong vòng thế kỷ qua, những dấu ấn đẹp đẽ và lạc hậu, như cách chúng ta thường gọi biến mất dần, nhưng trong tâm trí tôi nó đọng lại như một vết hằn, một cuốn phim… nó làm tôi lưu luyến với quá khứ và giục giã tôi phải đọc từ những đồ vật câm lặng đó những câu chuyện thường ngày của người xưa "- đó là suy nghĩ giản dị dẫn dắt mỗi trang viết của Phan Cẩm Thượng.
Bìa cuốn Văn minh vật chất của người Việt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng. |
Ý tưởng về một câu chuyện dài như vậy hình thành trong suy nghĩ của tác giả từ năm 1990, để rồi trải qua rất nhiều năm, không chỉ bằng vốn sống, mà dường như nhận được sự tiếp sức lớn, tác phẩm công phu 663 trang ra đời. Sự tiếp sức đến từ chính những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa như Hữu Ngọc, Nguyễn Quân, Nguyên Ngọc và nhiều người khác nữa. Tác giả chia sẻ: "Khi viết như được dẫn dắt bởi một người xưa nào đó, đọc cho chép và viết theo cảm hứng, chứ nghiên cứu ở đâu ra được ngần ấy thứ…".
Ngoài khổ sách lạ 18x24cm, "Văn minh vật chất của người Việt" có một giọng kể đúng chất Phan Cẩm Thượng - thủ thỉ, hóm hỉnh. Đối với người đọc, đây là một điều thật may mắn bởi chính lối kể như rút ruột gan ấy giúp họ tiếp nhận tri thức một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Ví như câu chuyện sinh động về một ngày bình thường (mà không giống nhau) của các giai tầng trong xã hội, từ vua, thầy đồ, người nông dân cho tới ông phó mộc, chàng lái buôn và một cán bộ trong xã hội thế kỷ XXI.
Toàn bộ 5 chương gồm "Những mặt cắt của lịch sử", "Từ bàn tay đến công cụ", "Cơm tẻ là mẹ ruột", "Sống dầu đèn chết kèn trống", "Nghệ thuật và hành vi" cơ bản giữ lối dẫn chuyện gần gũi như vậy. Như nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì đó là thứ văn phong "linh hoạt, pha trộn cả cách làm nghiên cứu, chuyên nghiệp lẫn cách viết tản văn sinh động, ngẫu hứng". Tác phẩm cũng có phần minh họa đồ sộ với 959 ảnh, 505 hình vẽ và một niên biểu tỉ mỉ, gần như hoàn chỉnh về văn minh vật chất của người Việt. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, "trước Phan Cẩm Thượng, chưa ai lập được bộ niên biểu cần thiết và ý nghĩa như thế".
"Cuốn sách này là lời tri ân với đất nước và mẹ cha"- lời đầu tiên của tác giả trong công trình này là như vậy. Tác phẩm thực sự cần cho người đọc có kiến thức về lĩnh vực này như chính giới chuyên môn đã nhận định, cũng như cho người đọc bình thường, thậm chí là một đứa trẻ. Bởi lẽ, "Văn minh vật chất của người Việt" sẽ giúp chúng trả lời những thắc mắc đơn giản "thế nào là cái hom, cái giỏ, cái nơm…?", "thế nào là cái cào, cái trang?" - những thứ chưa hẳn bố mẹ chúng đã rõ. Biết để mà thấy gần hơn với ông bà, dòng tộc, cũng là gần hơn với mảnh đất mà mình sinh ra và lớn lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.