Không phải ngẫu nhiên mà lạc được người Trung quốc đặt cho những cái tên thật đẹp như hoa sinh, quả trường sinh, đường nhân đậu… các bộ phận của lạc dùng làm thuốc rất quý là cây, lá, củ, nhân và màng bọc ngoài của nhân, dầu lạc...
Theo Trung y thì lạc tính bình, vị ngọt. Nhân lạc có tác dụng dưỡng huyết, bổ tì, nhuận phế, hóa đàm. Chủ trị các chứng bệnh như ho, thở gấp, người có thai bị phù, sản phụ thiếu sữa, người bị loét dạ dày và hành tá tràng, thiếu máu... Màng bọc ngoài của nhân lạc có tác dụng lương huyết. Chủ trị bệnh tử điến do thiếu tiểu cầu (thrombopenic purpura). Dầu lạc có tác dụng nhuận táo hoạt tràng. Chủ trị các chứng bệnh tắc trở do giun đũa, khô táo ruột, bí đại tiện, nhau thai không ra, bỏng... Rễ cây lạc có tác dụng trừ phong khử thấp, thanh nhiệt, ninh thần. Chủ trị đau khớp. Lá lạc chủ trị chứng mất ngủ. Vỏ cứng của củ lạc có tác dụng tiêu tích hành trệ, chủ trị các chứng bệnh cao huyết áp, cao cholesterol máu...
Trong tác phẩm y dược học nổi tiếng của Trung Quốc “Bản thảo cương mục thập di” có chép: “Lạc làm êm tì vị, hòa vị, nhuận phế, hóa đàm, tư dưỡng điều khí”.
Một số bài thuốc chữa bệnh
1. Ho đờm nhiều: Nhân lạc 30g, nấu chín nhừ cho vào trong 30g mật ong, ngày ăn 2 lần.
2. Ho lâu ngày không khỏi: Nhân lạc, táo tàu, mật ong, mỗi thứ 30g sắc lấy nước, ngày uống 2 lần.
3. Ho lâu ngày, khí đoản, đờm ít: Nhân lạc 15g, hạnh nhân ngọt 15g, giã nát, mỗi lần làm 10g, thêm mật ong lượng vừa phải, hòa với nước sôi ăn.
4. Viêm khí quản mạn tính: Dùng vào buổi sáng và tối, mỗi lần ăn 30g lạc.
5. Tiếng nói khàn: Nhân lạc (để cả màng mỏng ngoài nhân) 60-100g, nấu ăn. Ngày ăn 1 lần, hoặc cho mật ong lượng vừa phải vào ăn cùng càng tốt.
6. Cao huyết áp:
- Nhân lạc để cả màng mỏng ngoài nhân, ngâm trong dấm, bịt kín miệng lọ, ăn sau khi ngâm 1 tuần, mỗi lần ăn 10 hạt, ngày ăn 2 lần.
- Vỏ cứng củ lạc, mỗi lần 125g, nấu lấy nước uống hoặc nấu vỏ lạc nghiền vụn, lấy nước uống mỗi lần 10g, ngày uống 3 lần.
- Lá lạc, thân cây lạc non, mỗi thứ 30g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.
7. Bị bệnh tử điến do giảm tiểu cầu:
- Nhân lạc 18g, táo tàu 10 quả, nấu lấy nước uống, ngày 1 thang.
- Nhân lạc 250g, táo tàu bỏ hạt 15g, cùi long nhãn 12g. Nấu ăn. Bài thuốc này cũng có thể chữa được cả bệnh máu chậm đông và chảy máu cam, chảy máu chân răng...
8. Bạch cầu giảm:
- Màng mỏng bọc nhân lạc 10g, táo tàu 10 quả, nấu ăn.
- Nhân lạc, ý dĩ nhân (hạt bo bo), đậu đỏ loại nhỏ hạt, táo tàu, mỗi thứ 30g, nấu ăn, ngày 1 thang.
9. Thiếu máu:
- Nhân lạc 100g, táo tàu, đường đỏ, mỗi thứ 50g; nấu nhừ lên ăn, ngày 1 lần.
- Nhân lạc, đậu đỏ, đậu xanh, mỗi thứ 30g; đường đỏ, đường trắng, đường phèn, mỗi thứ 10g; nấu nhừ ăn, mỗi ngày 1 lần.
- Nhân lạc, hạt sen (bỏ vỏ và tâm sen), mỗi thứ 30g; cẩu khởi 15g, táo tàu 9 quả, đường đỏ lượng vừa phải, cho 300ml nước vào nấu cách thủy cho nhừ, ngày ăn 1-2 lần.
10. Loét dạ dày và hành tá tràng:
- Lạc nhân 100g, nấu lẫn với thịt lợn hoặc trứng gà để ăn. Mỗi buổi sáng sau khi đánh răng, rửa mặt, ăn 2 thìa dầu lạc đã nấu, nửa giờ sau bắt đầu ăn sáng, dùng liên tục như vậy 1-2 tuần là thấy rõ kết quả.
11. Đi tiểu ra máu do vận động nhiều:
- Lạc nhân, hạt sen đã bỏ vỏ cứng và tâm sen, mỗi thứ 30g; Nấu sôi xong cho lửa nhỏ hầm thật nhừ, sau đó cho 1 thìa đường vào đun tiếp, một lúc sau đem ăn, 2 ngày ăn 1 lần.
- Màng mỏng bọc ngoài nhân lạc khoảng nửa chén con, đem rang khô, nghiền vụn, hòa nước uống ngày 1-2 lần.
12. Di tinh: Màng mỏng bọc ngoài nhân lạc 6g, nấu lấy nước uống, ngày 2 lần.
13. Đau khớp: Rễ cây lạc 60g, nấu với ít thịt lợn nạc thật nhừ để ăn.
14. Viêm mũi: Lạc nhân 30g, nấu chín, cho thêm ít đường phèn ăn hết trong ngày, ăn liền trong 2 tuần như vậy là một liệu trình.
15. Bị thương do bỏng: Dầu lạc 500ml đun sôi để nguội, nước vôi trong 500ml. Lấy bột vôi chín 500g, cho thêm 1.000ml nước đun sôi để nguội, khuấy đều rồi để yên cho lắng xuống, gạn lọc lấy nước trong. Đem nước này trộn với dầu lạc để bôi lên vết thương trị bỏng.
Chú ý:
- Những người cơ thể hàn thấp đình trệ và tiêu chảy kiêng ăn lạc.
- Nếu ăn nhiều lạc rang quá sẽ dễ bị động hỏa (người cồn cào khó chịu, dễ cáu giận).
- Tuyệt đối không ăn lạc đã bị nấm mốc.
BS. Nguyễn Ninh Hải
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.