(HNM) - Sau nhiều đồn đoán, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, đạt mức 0,75-1%. Đây được xem là một quyết định có nhiều ý nghĩa, cho thấy tương lai khả quan của nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định là tín hiệu lạc quan để FED tăng lãi suất. |
Thực tế, việc FED tăng lãi suất ngay trong kỳ họp đầu tiên vào giữa tháng 3 có thể xem là một tín hiệu tích cực. Dù đây mới là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong năm nhưng là lần thứ hai kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Nâng lãi suất tổng cộng 0,5% trong vòng 3 tháng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Thống kê 3 tháng qua, số việc làm mới được tạo ra trung bình khoảng 209.000 việc làm/tháng, tỷ lệ thất nghiệp là 4,7%, thấp nhất kể từ năm 2007. Sức mua cũng được tăng cường và lạm phát hiện đang tiến gần mục tiêu 2% mà FED đề ra. Các nhà làm chính sách của FED cũng lạc quan về tình hình kinh tế toàn cầu khi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu tăng trưởng tốt, và Trung Quốc đang ổn định hơn so với năm ngoái.
Trong hai năm trở lại đây, FED đã nhiều lần tỏ rõ sự lo ngại những suy yếu của nền kinh tế thế giới sẽ kìm hãm sự hồi phục của kinh tế Mỹ, dẫn đến việc cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất. Năm 2016, FED dự định tăng lãi suất 4 lần song phải trì hoãn do những bất ổn của nền kinh tế thế giới cùng với sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, cũng như việc Anh rời Liên minh Châu Âu. Cuối cùng, FED chỉ tăng một lần vào cuối năm 2016.
Hiện nay, khi các dữ liệu kinh tế Mỹ ngày càng ổn định thì việc FED tăng lãi suất được cho là sẽ không gây ra quá nhiều rủi ro cho thị trường tài chính quốc tế như những lo ngại trước đó. Chủ tịch FED Janet Yellen tin tưởng và dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay sẽ đạt khoảng 2,1%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định của FED có thể hỗ trợ đáng kể cho các ngân hàng trung ương đang gặp khó khăn tại Nhật Bản và Châu Âu, đồng thời báo hiệu sự kết thúc của một chu kỳ kích thích tiền tệ tại Châu Á.
Các ngân hàng trung ương từ Bắc Kinh (Trung Quốc), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cho tới Luân Đôn (Anh) đã nhanh chóng có phản ứng trước động thái thay đổi chính sách này. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã tăng lãi suất cơ bản vào ngày 16-3 nhằm chuẩn bị cho nguy cơ đồng nội tệ giảm giá. Các ngân hàng trung ương của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Kuwait và Bahrain cũng đã siết chặt các chính sách lãi suất ngay sau khi FED công bố quyết định trên. Trong số các nền kinh tế lớn, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Châu Âu vẫn đang chật vật với cuộc chiến chống lạm phát và tăng trưởng thấp. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh cho biết một trong số các nhà hoạch định chính sách của họ đã đề xuất tăng lãi suất đi vay trong khi một số khác không mặn mà với ý kiến này.
Giới chuyên gia cũng nhận định, lộ trình chính sách mới của FED là một thay đổi lớn đối với các thị trường toàn cầu vốn trong gần một thập kỷ qua vẫn quen với các chính sách nới lỏng tiền tệ. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, song thực tế vẫn gặp khó khăn trong việc tìm cách kích thích nhu cầu trong nước. Các ngân hàng trung ương cũng gặp thách thức khi phải đồng bộ lãi suất nội địa phù hợp với bối cảnh dòng vốn nước ngoài đang tràn vào nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn do lãi suất tại các nước phát triển quá thấp. Ngoài ra, các nền kinh tế này cũng đang phải tìm cách ngăn đồng nội tệ sụt giá quá nhiều so với đồng USD đang ngày càng tăng giá.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đây là lần thứ ba FED tăng lãi suất. Kế hoạch này không nằm ngoài dự đoán và mức tăng cũng chỉ tương đối song lại diễn ra sớm hơn những gì mà giới đầu tư dự trù vài tuần trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.