(HNM) - Hỏa hoạn đang hoành hành với tốc độ kỷ lục tại rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil. Các nhà khoa học cảnh báo, thảm họa này có thể giáng một đòn cực mạnh vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong khi các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới kêu gọi cứu "lá phổi xanh" của hành tinh.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng đã tàn phá hàng chục nghìn héc ta rừng Amazon. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng của năm 2019, con số cao nhất kể từ năm 2013, hầu hết trong số đó xảy ra ở Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này tăng 83%.
Hiện thiệt hại chính xác vẫn chưa được xác định, song chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một báo cáo cho thấy, khói bụi từ các đám cháy ở Amazon đang lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía Đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 nước này, lan sang cả các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân của thảm họa là do con người. Ông Christian Poirier, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch cho biết, thậm chí cả trong mùa khô, rừng Amazon rất ẩm ướt nên không dễ bắt lửa như những vùng đất hoang nhiều bụi rậm khô cằn ở California (Mỹ) hay Australia. Tuy nhiên, nông dân cùng những người chăn thả gia súc từ lâu đã dùng lửa để phát quang cây cối tại nhiều khu vực của Amazon nhằm sử dụng đất rừng và nhiều khả năng họ là thủ phạm gây ra những đám cháy bất thường ở đây.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang bị chỉ trích dữ dội do chính sách khai phá rừng để phát triển kinh tế. Chính trị gia cực hữu vừa nhậm chức đầu năm 2019 đã mạnh tay nới lỏng nhiều quy định về môi trường tại nước này, đồng thời ủng hộ nông dân, thợ mỏ và người khai thác gỗ tiến sâu hơn vào Amazon. Cắt giảm ngân sách và can thiệp cấp liên bang cũng khiến hoạt động khai phá trái phép tại khu rừng rậm nhiệt đới này trở nên dễ dàng. Quan điểm đó và phản ứng chậm chạp của Brasilia trước các đám cháy lan rộng ở Amazon là nguyên nhân khiến Pháp và Ireland đe dọa phản đối Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay đã được đàm phán 20 năm qua.
Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, cung cấp lượng oxy khổng lồ cho sự sống trên trái đất. Là nơi sinh sống của 3 triệu loài động thực vật, mỗi năm, Amazon hấp thụ khoảng 3 tỷ tấn carbon và tạo ra gần 20% khí oxy cho bầu khí quyển. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực làm chậm lại tốc độ nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường và các tổ chức quốc tế cảnh báo, Amazon đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp.
Trong gần 50 năm qua, gần 1/5 diện tích khu rừng (hơn 770.000km2) đã bị đốn hạ và thiêu rụi. Diện tích rừng khổng lồ biến mất gây ra những biến động đáng kể đối với khí hậu và lượng mưa tại khu vực. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thay vì sản xuất khí oxy, trảng xanh Amazon khi đó sẽ thải khí carbon và làm tăng tốc tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, lượng hơi nước dồi dào cũng biến mất theo những cánh rừng nhiệt đới, làm giảm khả năng hấp thụ phóng xạ từ mặt trời của khí quyển.
Các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Biarritz, miền Nam nước Pháp, đã nhất trí hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng Amazon. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ bởi việc bảo vệ và khôi phục khu rừng nguyên sinh này đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Trong đó, thắt chặt chính sách khai thác rừng nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện hơn để bảo vệ “lá phổi xanh” phải được xem là ưu tiên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.