(HNM) - Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 5 (khóa XI) đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X)
Đây là điều kiện thuận lợi để Quốc hội (QH) đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) ngay trong năm 2012, tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, điều này vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, vừa sớm thể chế hóa, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Việc công khai minh bạch khi kê khai tài sản, thu nhập sẽ góp phần hạn chế tham nhũng.Ảnh: Nguyên An
Đẩy nhanh tiến độ
Theo dự kiến về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh toàn khóa của QH, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) thuộc chương trình năm 2013, sẽ được cho ý kiến ở kỳ họp thứ năm và biểu quyết ở kỳ họp thứ sáu. Tuy nhiên, tại diễn đàn QH, nhiều đại biểu đề nghị QH bổ sung dự thảo luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay trong năm 2012.
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, Hội nghị TƯ 5 của Đảng vừa kết thúc vào trung tuần tháng 5 đã đưa ra mô hình hoạt động của cơ quan PCTN TƯ thuộc Bộ Chính trị. Vì vậy QH nên đẩy tiến độ xây dựng dự án Luật PCTN (sửa đổi) vào chương trình chính thức của kỳ họp thứ tư, thông qua theo chương trình một kỳ họp. Làm như vậy vừa phù hợp với Nghị quyết của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của đông đảo cử tri và góp phần thực hiện tốt hơn công tác PCTN.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri, ngay tại kỳ họp, Thường vụ QH đã đề nghị QH cho ý kiến và biểu quyết Luật PCTN (sửa đổi) ngay ở kỳ họp cuối năm nay. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đây là thay đổi đáng kể so với dự kiến ban đầu và đề nghị này được hầu hết đại biểu đồng tình, ủng hộ. Không chỉ đẩy nhanh tiến độ, các đại biểu QH cũng yêu cầu trong Luật PCTN (sửa đổi) cần bổ sung các điểm về các biện pháp phòng ngừa, quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp, vai trò của người đứng đầu trong PCTN. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, công khai minh bạch khi kê khai tài sản. Theo đánh giá của đông đảo cử tri, việc QH rút ngắn thời gian xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) chính là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của QH - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
Đổi mới nội dung thực hiện
Song song với nỗ lực của QH để Luật PCTN hoàn thành trước thời hạn, thì Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để việc thực hiện PCTN đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Tại bản báo cáo về tình hình thực hiện Luật PCTN trong 5 năm qua gửi đến các đại biểu QH để góp ý, Chính phủ đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng. Đó là mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn; quy định về trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; hoàn thiện khung xử phạt hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
Đáng lưu ý, Chính phủ đề xuất quy định cán bộ, công chức khi mua những tài sản giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản. Bổ sung quy định về việc trong một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo khi chưa bị phát hiện và trong một thời hạn nhất định kể từ khi đưa hối lộ. Đồng thời quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Đồng thời, Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Với những giải pháp đổi mới trên, cử tri tin tưởng tình trạng tham nhũng thời gian tới sẽ từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi.
Qua 5 năm thực hiện Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính khoảng 1.600 tập thể, hơn 11 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi, không quyết toán trên 43 nghìn tỷ đồng và gần 1 triệu USD.
Qua giải quyết hơn 4.500 vụ tố cáo về tham nhũng, các cơ quan chức năng phát hiện 466 vụ việc với 727 người có hành vi tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.