(HNM) - Hơn 50 triệu cử tri Thái Lan vừa đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới. Đây là cuộc bầu cử thứ 6 của Thái Lan trong vòng 2 thập kỷ, với hai lực lượng chính cạnh tranh quyền lực...
Đảng của đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (đeo kính) được kỳ vọng sẽ duy trì được sự ổn định chính trị cho đất nước thời gian tới. |
Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), tới ngày 25-3, đã có khoảng 95% số phiếu được kiểm, trên tổng số 52 triệu cử tri hoàn thành bỏ phiếu (đạt 66%). Kết quả cho thấy, đảng thân quân đội Palang Pracharath (PPRP) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha dẫn đầu với 7,69 triệu phiếu. Ở vị trí thứ hai là đảng Pheu Thai với gần 7,3 triệu phiếu, tiếp theo là đảng Hướng tới tương lai với 5,3 triệu phiếu.
Đây là kết quả trái ngược với những thăm dò trước bầu cử, vốn dự đoán đảng Pheu Thai sẽ giành chiến thắng áp đảo, và PPRP chỉ về ở vị trí thứ 3. Thực tế kiểm phiếu cho thấy, nhiều cử tri Thái Lan giờ đây đã quay sang ủng hộ PPRP, với kỳ vọng tạo ra được sự ổn định chính trị cần thiết, giúp phát triển kinh tế.
Theo Luật Bầu cử của Thái Lan, tại Hạ viện, cử tri sẽ chọn ra 350 Hạ nghị sĩ tại 350 khu vực trên khắp cả nước. 150 Hạ nghị sĩ còn lại sẽ được tính toán và phân bổ theo danh sách đảng. 250 ghế Thượng viện sẽ do Hội đồng vì hòa bình và trật tự quốc gia chỉ định. Đây là cơ quan gồm các quân nhân do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đứng đầu.
Vì vậy, đương kim Thủ tướng đang rất có lợi thế do cơ chế này bảo đảm cho phe quân sự nắm 1/3 Quốc hội Thái Lan từ trước khi bầu cử diễn ra. Ghế Thủ tướng sẽ do 250 Thượng nghị sĩ và 500 Hạ nghị sĩ bầu ra trong cuộc họp chung. Do vậy, phe quân đội sẽ chỉ cần giành 126 ghế tại Hạ viện để có thể đưa ứng viên của mình vào vị trí người đứng đầu Chính phủ.
Trong khi đó, số liệu sơ bộ từ EC trong ngày 25-3 cho thấy, đảng Pheu Thai đã giành được 135 ghế trong hạ viện. Theo sau là đảng Palang Pracharath với 97 ghế, và đảng Bhumjaithai 39 ghế. Việc không có đảng nào giành được ít nhất 251 ghế trong tổng số 500 ghế của Hạ viện như vậy sẽ đồng nghĩa rằng một chính phủ liên minh là điều bắt buộc. Nói cách khác, dù chiếm ưu thế lớn, đảng Palang Pracharath vẫn sẽ phải liên minh với các đảng khác.
Đáng chú ý, do cuộc bầu cử lần này nhằm lấp đầy 500 ghế trong Hạ viện, đồng nghĩa rằng số ghế nói trên cũng đủ để đảng Palang Pracharath và đương kim Thủ tướng Thái Lan duy trì bộ máy chính phủ như hiện nay. Bởi thực tế cho thấy, các đảng có xu hướng dân chủ dù có liên minh được với nhau cũng không đủ số lượng ghế tại Hạ viện để đánh bại Palang Pracharath và liên minh ủng hộ quân sự.
Như vậy, thắng lợi lần này sẽ không chỉ khẳng định uy tín của đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, mà còn là tín hiệu tích cực, mở ra một chương mới ổn định cho chính trường Thái Lan sau nhiều năm sóng gió.
Theo kế hoạch, Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ công bố kết quả chính thức vào ngày 9-5 tới. Sau đó, Quốc hội Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc họp để bầu ra Thủ tướng mới. Nếu các kết quả nói trên được bảo toàn, chính trường Thái Lan sẽ sớm ổn định, tạo ra nền tảng lý tưởng cho đất nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2019 này, Thái Lan là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và nhà vua mới của nước này sẽ chính thức đăng quang.
Việt Nam chúc mừng Thái Lan tổ chức thành công Tổng tuyển cử Nhân dịp Thái Lan tổ chức thành công Tổng tuyển cử lần thứ 26, chiều 25-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đến Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thái Lan đã tổ chức Tổng tuyển cử thành công với đông đảo cử tri đi bầu, cho rằng với sự kiện chính trị quan trọng này, Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển ổn định và thịnh vượng, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Thái Lan để củng cố và đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bộ Ngoại giao |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.