(HNM) - Thị trường tiền tệ đã bình ổn trở lại với lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Như vậy, doanh nghiệp có thể kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn trong thời gian tới.
Tín hiệu tích cực
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, những phiên gần đây, lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng giảm mạnh, trong đó, lãi suất cho vay qua đêm có thời điểm xuống còn 2,05%/năm. Lãi suất tại các kỳ hạn khác cũng đã giảm xuống mức rất thấp, kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 2,61%/năm, kỳ hạn 2 tuần còn 3,37%/năm.
Nếu so sánh với thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10-2022, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống thấp hơn. Cụ thể, thời điểm nửa cuối tháng 8-2022, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 3,53%/năm; 1 tuần 3,6%/năm; 2 tuần 4,18%/năm. Nhưng đến tháng 3-2023, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiến sát 7%/năm.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, động thái giảm lãi suất liên ngân hàng cho thấy tín hiệu thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt sẽ là yếu tố nền tảng giúp lãi suất huy động và cho vay cũng giảm dần. Tuy nhiên, các yếu tố này mới đang ở mức sơ khởi, chưa tác động ngay đến nền kinh tế.
Việc lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu xảy ra sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành cũng như lãi suất trên hoạt động thị trường mở. Ngân hàng Nhà nước cũng đã dừng phát hành tín phiếu sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục. Đồng thời, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cấp kỳ hạn của các khoản cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên 28 ngày với lãi suất giảm từ 6% xuống còn 5,5%.
Theo phân tích của giới chuyên môn, trong hoạt động ngân hàng, kỳ hạn dài hơn thường có lãi suất cao hơn, nhưng Ngân hàng Nhà nước không những không tăng mà lại giảm lãi suất. Dù kỳ hạn vay ngắn nhưng với nền lãi suất thấp tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn.
Mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm thời điểm này là liệu lãi suất liên ngân hàng có duy trì mức thấp trong thời gian tới để có dư địa điều chỉnh lãi suất cho vay?
Đại diện của các ngân hàng nhận định, tín hiệu thanh khoản tốt có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố niềm tin người dân trước bối cảnh thời gian vừa qua thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh, như việc 3 ngân hàng của Mỹ phá sản hoặc Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ buộc phải can thiệp để Ngân hàng UBS mua lại ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Credit Suisse.
Thực tế, với thanh khoản dồi dào, ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay, vì sau khi huy động được tiền gửi, nếu nắm giữ quá lâu, bản thân các ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn về chi phí tài chính, như vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Với kịch bản này, quy luật cung - cầu sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm xuống, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt, bởi thanh khoản ngân hàng thời điểm này cải thiện mạnh so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Bên cạnh lãi suất liên ngân hàng giảm, một yếu tố tích cực cho mặt bằng lãi suất là tỷ giá vẫn trong xu hướng ổn định. Động thái tiếp tục mua thêm ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường, vì với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp nếu có biến động tỷ giá trong thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung tiền đồng Việt Nam trong nền kinh tế hiện cũng đầy đủ đáp ứng các nhu cầu đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết, đơn giản thủ tục hành chính để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản thông qua các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, giao dịch hối đoái hoán đổi ngoại tệ. Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp phù hợp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.