Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng những dự án “khủng”

Hồng Sơn| 25/03/2014 07:27

(HNM) - Mặc dù thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ đầu năm đến nay chưa như mong muốn, nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo số vốn ĐTNN trong cả năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm ngoái.

Đến nay, giới quan sát vẫn háo hức trông đợi việc nhà đầu tư chính thức đệ đơn xin cấp giấy phép đầu tư một số dự án có quy mô lớn hoặc rất lớn từng theo đuổi từ thời gian trước. Đó là việc Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đang tiến hành những cuộc đàm phán cuối cùng trước khi quyết định đăng ký đầu tư cho siêu dự án trị giá 20 tỷ USD để xây dựng cụm Nhà máy Điện - Khí tại Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan cũng gấp rút hoàn tất quá trình nghiên cứu, khảo sát để tiến tới hoàn chỉnh hồ sơ trước khi trình Chính phủ Việt Nam đăng ký xin giấy chứng nhận đầu tư cho Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với tổng vốn đầu tư dự kiến là 28 tỷ USD và có công suất 660.000 thùng dầu/ngày, tức 30 triệu tấn/năm.

Khu kinh tế Nhơn Hội, nơi triển khai dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội.


Các tỉnh khác cũng thu hút được sự quan tâm của nhà ĐTNN, đơn cử như Vĩnh Phúc đang tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu triển khai dự án xây dựng cảng cạn trị giá 1 tỷ USD theo đề nghị của nhà đầu tư Hàn Quốc. Một số tỉnh giàu tiềm năng như Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai… vẫn giữ được hình ảnh và đón tiếp nhiều đoàn DN ngoại đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong quý I năm nay. Cần lưu ý rằng, một dự án có mức vốn đầu tư 20-50 triệu USD thường được đánh giá là quy mô trung bình để thấy hết tầm vóc, khả năng lan tỏa và sức đóng góp to lớn về nhiều mặt của những dự án trị giá "tỷ đô" nói trên.

Quý I năm 2014, trên địa bàn Hà Nội có 55 dự án ĐTNN được cấp giấy phép mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 38 triệu USD. Đây là kết quả khiêm tốn so với mức thu hút vốn của một số địa phương khác. Thành phố đang thực hiện việc đa dạng hóa khu vực, đối tác đầu tư; trong đó có đề án "Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo", với điểm nhấn là hội nghị xúc tiến đầu tư và đối thoại với DN Nhật Bản sắp diễn ra, với sự phối hợp của đối tác là Tập đoàn Forval (Nhật Bản).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư sẽ tiếp tục được quan tâm, nâng cao hiệu quả và hướng vào thực chất; tập trung vào những nội dung quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Không chỉ xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia, đến nay các bộ, địa phương đã chủ động triển khai công tác xúc tiến đến từng tỉnh, khu vực giàu tiềm năng của những đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức để tận dụng mọi cơ hội gọi đầu tư. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để vận động đầu tư có hiệu quả ở cấp địa phương, trong bối cảnh giới ĐTNN vẫn tỏ rõ quan điểm quyết tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Đặc biệt, hiện 70% số DN Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam khẳng định có nhu cầu hiện diện lâu dài và sẵn sàng thực hiện việc tăng quy mô hoạt động trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, đáng lưu ý là, giới ĐTNN đang quan tâm và tỏ ý đồng thuận với Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trình Chính phủ, nhằm tạo khung pháp lý cho phép DN có vốn ĐTNN bỏ vốn xây dựng các công trình, dự án hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Nghị định này được thông qua và đi vào thực thi sẽ là bước chuyển mới, có ý nghĩa thiết thực để gọi vốn ĐTNN. Như vậy, với những tín hiệu và thực tế trên đã hé lộ nhiều khả năng kết quả thu hút vốn ĐTNN năm nay có thể "được mùa", thậm chí sẽ cao hơn mức của năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng những dự án “khủng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.