(HNM) - Thay vì gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội (QH) tự nghiên cứu, trong chương trình nghị sự Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII vừa được gửi xin ý kiến các đại biểu, dự kiến sẽ đưa báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2012 vào phiên khai mạc. Đây là một điểm mới của kỳ họp nếu nhận được sự đồng thuận của các đại biểu QH…
Cử tri quận Ba Đình đóng góp ý kiến tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu QH trước kỳ họp. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo dự kiến chương trình kỳ họp vừa được gửi xin ý kiến các đại biểu QH, sau các nội dung khai mạc theo thông lệ, cuối giờ sáng phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, QH sẽ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác PCTN năm 2012. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về công tác này. Toàn bộ phiên khai mạc sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để người dân và cử tri cả nước theo dõi. Nếu nhận được sự đồng thuận của các đại biểu QH, đây là bước đổi mới lớn của Kỳ họp thứ tư ngay từ phiên khai mạc. Không chỉ có vậy, kỳ họp cũng dành gần hai buổi để thảo luận tại hội trường về dự án Luật PCTN (sửa đổi) và các phiên thảo luận này cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân "giám sát".
Thông tin này đã được đông đảo cử tri đón nhận và đánh giá cao. Bởi việc làm này phần nào đáp ứng được nguyện vọng, tâm lý bức xúc của cử tri. Hơn nữa, qua đó khẳng định QH đã hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của cử tri, coi công tác PCTN là một nội dung quan trọng trong chương trình kỳ họp đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu QH đối với PCTN.
Cử tri Đỗ Anh Bích (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ, báo cáo về công tác PCTN là nội dung luôn được cử tri chúng tôi mong đợi tại các kỳ họp cuối năm. Nhưng tại những khóa trước và ngay cả các kỳ họp trước của nhiệm kỳ này, bản báo cáo thường được gửi cho đại biểu tự nghiên cứu, sau đó kết hợp thảo luận cùng các nội dung khác, vì vậy cử tri khó nắm bắt hết các nội dung của vấn đề. Khi nhận được thông tin ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, cả báo cáo và báo cáo thẩm tra về công tác PCTN sẽ được truyền hình trực tiếp, chúng tôi rất mừng. Ông Đỗ Anh Bích nhấn mạnh, đây là việc làm rất cần thiết vì tại Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng khóa XI đã kết luận nhiều chủ trương mới về công tác này. Hơn nữa, Đảng đang tiến hành đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4. Với cách làm đồng bộ và nhiều đổi mới này, chúng tôi tin tưởng công tác PCTN sẽ đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới
PCTN luôn là nội dung được cử tri Hà Nội và cả nước đặc biệt quan tâm. Cũng giống như các đợt tiếp xúc cử tri tại nhiều kỳ họp trước, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu QH trước Kỳ họp thứ tư đang diễn ra rộng khắp trên địa bàn TP Hà Nội, không ít cử tri bày tỏ lo ngại sau 5 năm thực hiện Luật PCTN, dù việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng năm sau giảm hơn năm trước song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng chưa đạt như mong muốn. Chính vì vậy cử tri kỳ vọng, ngoài đổi mới ngay từ phiên khai mạc, trong phần thảo luận Luật PCTN (sửa đổi), QH sẽ đề cập rốt ráo mọi vấn đề liên quan tới công tác này. Trước hết là mô hình ban chỉ đạo. Cử tri kiến nghị trong 3 phương án được đề cập tại dự thảo, QH nên thảo luận kỹ và chọn ra một phương án tối ưu nhất trong đó nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo, cử tri Hà Nội cũng đề nghị tăng cường các nội dung kiểm soát và kê khai, công khai thu nhập, tài sản cũng như bổ sung các quy định về xử lý hành vi tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng, khi vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra, nhất là tại các tập đoàn kinh tế lớn cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và những bộ ngành có liên quan. Đồng thời cần mở rộng đối tượng xem xét khi xử lý tham nhũng vì trên thực tế có hiện tượng người thân của các đối tượng này có hành vi trục lợi.
Với những điểm nhấn trong đổi mới hoạt động tại Kỳ họp thứ tư về công tác PCTN, cử tri Hà Nội tin tưởng đây sẽ là bước tiến mới trong cuộc chiến PCTN phức tạp và tinh vi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.