Góc nhìn

Kỳ vọng bước tiến đột phá

Hiền Lương 19/07/2023 - 06:17

Ngày mai (20-7), Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ họp phiên đầu tiên sau khi thành lập dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng. Đây là sự kiện đem lại nhiều kỳ vọng phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm này.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam và ASEAN kết nối với Trung Quốc.

Sau 17 năm thực hiện nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẳng định vai trò của một vùng kinh tế động lực với quy mô chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những hạn chế là vấn đề liên kết giữa các lĩnh vực và thực thể trong vùng. Trong Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị đã chỉ ra 6 nhóm hạn chế tồn tại, trong đó nhiều lần nhắc đến hai từ “liên kết”, như: Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp; thể chế, liên kết vùng chậm được đổi mới; chất lượng quy hoạch vùng và địa phương trong vùng thấp, thiếu liên kết...

Điều đó cho thấy, liên kết là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhất nếu muốn phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngay trong phần nhiệm vụ, giải pháp, Bộ Chính trị đã nêu vị trí số một là “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng”.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thành lập 4 hội đồng điều phối vùng, trong đó có Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy vấn đề quan trọng hàng đầu này đã được nhìn nhận thấu đáo. Nội dung lĩnh vực điều phối chính là liên kết phát triển, trước hết là công tác quy hoạch. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sẽ giúp tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ chế mới này.

Cùng với vai trò “nhạc trưởng” của Hội đồng điều phối và Thủ tướng Chính phủ, mấu chốt đem lại hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm cao của các tỉnh, thành phố trong vùng và các bộ, ngành trung ương. Là Thủ đô, có vai trò cực tăng trưởng của vùng, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần khắc phục hạn chế liên kết vùng, tạo động lực phát triển mới cho Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Ý thức gương mẫu, đi đầu và một tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung của Hà Nội cần được lan tỏa mạnh để tạo ra xung lực phát triển mới cho cả vùng.

Mỗi thực thể trong vùng cần trở thành một mắt xích, thực sự phát huy được nội lực để tận dụng tối đa cơ hội gia tăng liên kết, từ đó từng bước vươn lên. Muốn phát huy được nội lực, cần nhận thức sâu sắc, từ nhận thức đi đến hành động theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TƯ. Đó là phát huy khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người Bắc Hà, sĩ phu Bắc Hà; đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa; cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng bước tiến đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.