(HNMO) - Ngày này 66 năm về trước (23-9-1945), tức chỉ ba tuần sau ngày Lễ Độc lập 2-9, quân và dân Nam Bộ đã cùng quyết chí đứng lên đi vào cuộc kháng chiến đầy thử thách của lịch sử dân tộc. Lời ca
Những ngày này, ngôi nhà số 523 Điện Biên Phủ, thuộc phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh, khá đông người ghé thăm, bởi chủ nhân là ông Nguyễn Trọng Xuất tức Sáu Nhân, một nhân chứng trực tiếp tham gia những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (NBKC), đồng thời là Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn cuốn “Lịch sử NBKC”, công trình nghiên cứu đồ sộ dày 5.000 trang hoàn thành năm 2010.
Ảnh Interrnet |
Đã ở tuổi tám mươi, nhưng với ông Sáu Nhân, ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn in sâu trong tiềm thức. Ông kể: "Ngay từ ngày 2-9-1945, quân Pháp đã có những hành động gây hấn ở Sài Gòn. Sớm nhận thấy tình hình nên chính quyền Cách mạng đã chủ động đối phó. Đêm 22 rạng sáng 23- 9, quân Pháp nổ súng đánh chiếm nhiều vị trí tại trung tâm Sài Gòn, song đều bị quân dân ta chống trả quyết liệt. Sớm ngày 23-9, Xứ ủy Nam Bộ họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Hội nghị đã phân tích tình hình và thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (UBKC) do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 23-9, ông Trần Văn Giàu ký tuyên cáo gửi đồng bào Nam Bộ và cuộc kháng chiến bắt đầu diễn ra trên khắp các mặt trận".
Ngày ấy, ông Sáu Nhân mới 13-14 tuổi nhưng đã được giao nhiệm vụ cùng đồng đội giữ kho lương thực. Ông Sáu Nhân bồi hồi nhớ lại: “Tôi được giao một khẩu súng và lấy làm hãnh diện lắm, vì vũ khí lúc đó rất thiếu. Để có vũ khí, đích thân bác sỹ Phạm Ngọc Thạch và ông Huỳnh Văn Tiểng đã tới gặp Terauchi, viên tướng chỉ huy quân đội Nhật ở Sài Gòn, đề nghị cung cấp lương thực cho 7 vạn quân Nhật đang chờ quân Đồng minh đến giải giáp vũ khí, đổi lại, họ sẽ bàn giao những vũ khí thu được của quân Pháp sau sự kiện đảo chính (9-3-1945) cho ta. Nhờ đó, lực lượng vũ trang của ta có thêm mấy nghìn khẩu súng. Ngoài ra, nhiều đêm quân ta còn theo đường hầm vào lấy vũ khí ở kho gần cầu Thị Nghè. Lúc này, gần 3.000 bảo an binh khu Chợ Lớn được tuyên truyền giác ngộ đã ngả theo cách mạng... Quân Pháp ở Sài Gòn lúc này có khoảng 2.000-3.000 tên, đều là tù binh được Nhật thả ra, có sự hậu thuẫn của quân Anh nên rất hung hăng”. Theo lệnh của Chủ tịch UBKC Nam Bộ Trần Văn Giàu, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiến hành tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Thành phố Sài Gòn được chia làm 4 phòng tuyến chặn địch, gồm cầu Kiệu, cầu Thị Nghè, cầu Bông và cầu chữ Y. Đồ đạc, vật dụng trong các gia đình được dùng làm chướng ngại vật, dựng chiến lũy để cản bước tiến của địch. Gần 350 đội tự vệ bám sát vị trí chiến đấu, được nhân dân hỗ trợ đắc lực về hậu cần. Bên ngoài thành phố, các lực lượng vũ trang của ta siết chặt vòng vây. Ngay trong ngày 23-9, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân ta. Chỉ huy quân Pháp tại Sài Gòn lúc đó hùng hổ tuyên bố “đánh nhanh thắng nhanh”, "giơ gậy lên là Việt Minh chạy như vịt", thực tế thì chúng bị giam chân cả tháng trời trong thành phố…
Trong ngôi nhà nhỏ ở ấp Hàm Thới (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), ông Trương Thành Hỷ, nguyên Giám đốc xưởng phim Quân giải phóng miền Nam, người trực tiếp tham gia sự kiện 23-9 ở địa phương, bồi hồi nhớ về không khí sôi động của ngày đầu kháng Pháp tại cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn- Gia Định lúc đó: “Sau ngày 2-9, nhận thấy tình hình không được "êm" lắm nên chính quyền Cách mạng địa phương đã chia Hóc Môn thành 5 khu quân sự để sẵn sàng ứng phó. Đội thanh niên cứu quốc huyện Hóc Môn, do tôi làm Bí thư lâm thời, được thành lập, trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng các tổ chức vũ trang. Khi trong thành phố nổ súng, đội vũ trang Hóc Môn đã về tham chiến. Chúng tôi đặt một tổ trinh sát ba người tại ga xe điện Sài Gòn để nắm bắt tình hình chiến sự, kịp thời thông báo về tuyến sau... Thực tế cho thấy, các hướng tấn công của Pháp vào Tham Lương, chợ Cầu, chợ Cây Xoài (thuộc Hóc Môn) đều vấp phải sự kháng cự rất mạnh của quân ta. Hóc Môn gần như là địa bàn cuối cùng Pháp chiếm được ở Nam Bộ”.
Ông Hỷ còn kể, ngày 1-11-1945, lực lượng vũ trang giải phóng quân liên quận Hóc Môn- Bà Điểm- Đức Hòa được thành lập, do đồng chí Tô Ký chỉ huy. Chỉ có vài khẩu súng trường, còn chủ yếu là gậy tầm vông đối chọi với pháo, xe tăng, tàu chiến, vậy mà đã khiến quân Pháp “thất điên bát đảo”. "Cảm động nhất là các chiến sĩ của ta không bao giờ bị đói do được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Trước và cả trong khi chiến đấu, chúng tôi được ăn cơm, bánh ít, bánh tét... Ở mặt trận Tham Lương, do thiếu hỏa lực nên quân ta đã sáng chế ra "ống lói", gồm hai lóng tre được dùi hai đầu sau đó nhét đất đèn vào trong. Khi châm ngòi sẽ tạo ra tiếng nổ lớn, có tác dụng uy hiếp giặc".
Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ chấn động cả nước. Nhiều tỉnh, thành đưa lực lượng về góp sức với Nam Bộ chống ngoại xâm. Không ít học sinh đã theo tiếng gọi non sông, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Ông Sáu Nhân nhớ lại: Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Nguyễn Văn Hữu- sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ - đã động viên lớp thiếu niên mới 14, 15 tuổi chúng tôi rằng, “các con nên về nhà, nếu còn giữ được tình yêu đất nước trong lòng thì cơ hội để các con cống hiến không thiếu”. Chúng tôi đã phải gạt nước mắt chia tay với các anh bộ đội để trở về nhà. Lời dạy của thầy đã theo tôi suốt cuộc đời, không lâu sau tôi vào chiến khu, trở thành học sinh Cứu quốc, được kết nạp đảng khi 19 tuổi...
Ông Sáu Nhân còn nói, sở dĩ NBKC được quân dân cả nước đồng lòng ủng hộ là do trong lễ mừng Độc lập 2-9 tại Sài Gòn, nhân dân đã biểu thị quyết tâm giữ nền độc lập nước nhà. "Dân Nam Bộ chúng tôi hễ đã thề là coi lời thề cao hơn sinh mệnh của mình”.
Nghe người cán bộ lão thành cách mạng đã có 61 năm tuổi Đảng ấy khẳng định như đinh đóng cột mà thấy dường như ngọn lửa Cách mạng được thắp lên từ những ngày đầu NBKC vẫn rực cháy trong ông và những đồng chí, đồng đội của ông- những người đã viết lên một trang sử hào hùng của dân tộc. Ngọn lửa ấy vẫn luôn chói ngời trong suốt những năm tháng trường kỳ gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này, và sẽ còn sáng mãi cho các thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.