Xã hội

Ký ức sôi nổi của những nữ công nhân dệt

Dương Linh 24/02/2024 - 06:43

Dành tuổi xuân nơi chiến trường bom đạn để phá đá, mở đường, những nữ thanh niên xung phong ngày ấy sau đó được tuyển chọn vào Nhà máy Dệt 8-3 trở thành công nhân dệt, tiếp tục cống hiến sức trẻ, lao động dựng xây đất nước.

Gần sáu thập kỷ đã qua, đến giờ đã về nghỉ chế độ, nhưng nhắc lại kỷ niệm xưa, trong họ vẫn vẹn nguyên ký ức về những phân xưởng sản xuất rộng lớn, tiếng máy, tiếng thoi, tiếng còi tầm vang lên mỗi ca làm...

tnxp.jpg
Những nữ cựu thanh niên xung phong phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) gặp mặt ôn lại hồi ức xưa khi làm tại Nhà máy Dệt 8-3.

Hoài niệm về nhà máy dệt

Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến thăm các nữ cựu thanh niên xung phong phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng). Có lẽ không nhiều người biết rằng, thập niên 80-90 của thế kỷ trước, Hà Nội có 47 khu nhà tập thể mà cư dân ở đó đều là công nhân Nhà máy Dệt 8-3. Bên chén trà, nghe các bà trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời thanh xuân sôi nổi ở chiến trường, những ngày làm thoi, đứng máy không nghỉ “3 ca, 4 kíp”.

Các bà cho biết, năm 1960, Nhà máy Dệt 8-3 được khởi công xây dựng ở Khu đô thị Times City bây giờ. Sau 5 năm, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8-3-1965), nhà máy đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Ngày nay, dù đã chuyển sang mô hình Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, song Nhà máy Dệt 8-3 vẫn là ký ức đẹp không thể quên trong mỗi nữ công nhân…

Bà Lê Thị Dung (sinh năm 1954) tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong khi 18 tuổi, được biên chế ở đơn vị N293 tại Quảng Bình. Đơn vị của bà được giao nhiệm vụ xẻ đá, mở đường bảo đảm hậu cần cho bộ đội ở tiền tuyến. Chiến tranh gần kết thúc, cán bộ Nhà máy Dệt 8-3 vào đơn vị tuyển chọn công nhân và bà Dung được nhận làm việc tại nhà máy từ tháng 1-1975. “Ngày đó, để được tuyển vào nhà máy phải là thanh niên xung phong gương mẫu, nhanh nhẹn, trách nhiệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là sau khi vào làm việc 8 tháng, được nhà máy cử tham gia diễu hành tại Lễ duyệt binh ngày 2-9-1975 ở Quảng trường Ba Đình. Đêm hôm trước buổi diễu hành, tôi phấn khởi, thao thức không ngủ được. Được cầm cờ Tổ quốc đi đầu đoàn công nhân, vinh dự lắm…”, bà Dung bồi hồi nhớ lại.

Cùng tiểu đoàn với bà Dung, bà Lê Thị Vân (sinh năm 1955) cũng lên đường tham gia thanh niên xung phong khi mới 17 tuổi và về công tác tại Nhà máy Dệt 8-3 từ tháng 3-1975. Bà Vân kể: “Tôi là Tổ trưởng tổ sản xuất, phân xưởng thoi suốt. Những ngày đó không khí làm việc ở nhà máy rộn rã, ai cũng nỗ lực để vượt năng suất. Thời điểm gỗ chậm về, thoi thiếu, phải làm tăng ca không nghỉ, nhiều hôm tôi phải nhờ mẹ chồng trông con giúp. Vì vậy, tổ của tôi luôn được đánh giá cao là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa”.

Bà Phạm Thị Ngận (sinh năm 1949) tham gia mở đường 20 Quyết Thắng (tỉnh Quảng Bình) từ năm 1965 khi mới 16 tuổi, từng suýt bỏ mạng nơi “túi bom, chảo lửa”. Sau đó, tháng 11-1969, bà Ngận được tuyển chọn về Nhà máy Dệt 8-3 làm nhiệm vụ tại bộ phận bảo toàn xưởng sợi B. “Năm 1972, máy bay B52 của giặc Mỹ bắn phá, mỗi công nhân là một tự vệ, ban ngày bảo vệ nhà máy, ban đêm tăng gia sản xuất. Công nhân làm việc theo ca, máy móc hoạt động đêm ngày, chỉ trừ những lúc máy bay địch thả bom mới tạm nghỉ. Cũng may là lần bom thả trúng Khu tập thể Nhà máy Dệt 8-3 thì tôi đang đi sơ tán theo máy móc ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân bây giờ”, bà Ngận nhớ lại.

Vóc người nhỏ bé, năm 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1954) với chiếc ba lô trên vai đã hồ hởi cùng đoàn quân tình nguyện vào chiến trường Quảng Bình tham gia thanh niên xung phong tại đơn vị N285. “Ngày ấy, đất nước đang sục sôi đánh Mỹ, được lên đường ra hỏa tuyến góp sức là niềm vui, niềm tự hào của mỗi chúng tôi. Được vào nhà máy làm việc tháng 2-1975, niềm vui trong tôi lại nhân lên nhiều lần. Ở nhà máy, tôi tham gia tự vệ bảo vệ nhà máy. Chúng tôi tập bắn đạn thật, trực xưởng, rồi tham gia các hoạt động thể thao, thi đua sản xuất... Ngày đi làm, 2-3h sáng dậy canh nước ở khu tập thể, con thì nhỏ, thiếu thốn lương thực, vất vả là thế, nhưng chúng tôi ai nấy đều vui”, bà Huyền kể.

Trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, những nữ thanh niên xung phong công nhân Nhà máy Dệt 8-3 chưa lúc nào ngừng yêu đời, yêu nghề, không nề hà bất cứ việc gì tổ chức phân công. Đối với họ, được cống hiến sức trẻ, được làm việc là một niềm vui, giúp họ luôn cảm thấy có ích cho xã hội và đất nước. Nói thêm về những năm tháng đã qua, bà Lê Thị Vân cho hay: “Khi vào làm việc ở nhà máy, chúng tôi được phân nhà ở khu tập thể. Ban đầu là 4-5 chị em ở một căn phòng chừng 18m2. Sau khi lập gia đình được phân riêng khoảng 18m2. Căn phòng khá chật chội và cả dãy chỉ có 1 nhà vệ sinh chung nên rất bất tiện. Nhưng có những chị đã lập gia đình vẫn chỉ được phân có 7m2 ở tầng 2”.

“Thời đó, việc ăn uống cũng khá thiếu thốn, lương thực không đầy đủ như hiện tại. Thế nhưng chúng tôi luôn tràn ngập tình yêu nước, luôn lạc quan, vui vẻ, đoàn kết và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Lê Thị Dung tiếp lời.

Trải qua những tháng năm tham gia thanh niên xung phong, rồi lại gắn bó với nhau ở nhà máy dệt, không chỉ cùng nhau lao động, chia sẻ những gian khổ, vất vả trong cuộc sống, những nữ thanh niên xung phong ngày ấy vẫn tương trợ, chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn hằng ngày. Ở họ luôn ấm áp tình đồng đội, đồng nghiệp cho đến tận bây giờ…

Ấm tình đồng đội

28 năm gắn bó với nhà máy, năm 2003, bà Lê Thị Dung về nghỉ chế độ. Mặc dù sức khỏe giảm sút do trong những năm tháng tham gia thanh niên xung phong bị đất đá từ một trận bom ụp vào người, gây tổn thương một bên mặt và mảnh đạn găm vào mu bàn tay, sau 30 năm mới lấy ra, nhưng bà vẫn tích cực tham gia phong trào của địa phương, được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7, phường Quỳnh Mai hai nhiệm kỳ. Năm 2020, bà Dung được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Quỳnh Mai.

“Hội Cựu thanh niên xung phong phường Quỳnh Mai thành lập tháng 2-2005. Hội hiện có 99 hội viên, phần lớn từng công tác trong Nhà máy Dệt 8-3, trong đó khoảng hơn 80% hội viên nữ, sinh hoạt tại 5 chi hội, trong đó có 5 nữ đơn thân. Nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, do tuổi cao, ốm đau, bệnh tật, nữ thanh niên xung phong đơn thân, có 9 người làm ở nhà máy nhưng về nghỉ mất sức, không có lương hưu…”, bà Dung cho biết.

Tương tự, bà Phạm Thị Ngận cũng có 26 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố. Hoàn cảnh bà Ngận, bà Vân, bà Huyền cũng không khá giả, tuổi cũng đã cao, nhưng đều giang tay giúp đỡ đồng nghiệp, đồng đội và con của họ, từ hỗ trợ kinh phí ăn học, cho vay tiền mua xe máy lấy phương tiện đi làm, thậm chí lo an táng cho đồng đội và cưới hỏi cho con họ... “Đến nay, các gia đình chị em ai có việc gì, chúng tôi vẫn xúm vào đỡ đần, giúp nhau”, bà Huyền chia sẻ.

Không chỉ vậy, với các cựu thanh niên xung phong phường Quỳnh Mai, thứ bảy, chủ nhật là những ngày “bận rộn” nhất trong tuần. Bởi họ đảm trách “Ngõ tự quản trật tự, văn minh đô thị” tại ngõ 10 phố 8-3.

Đưa chúng tôi đi tham quan con ngõ tự quản của cựu thanh niên xung phong, bà Vân tự hào nói: “Ngõ chỉ dài hơn 500m, nhưng lại có chợ, nên chúng tôi thường dậy sớm để thu gom rác, dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm trước khi họp chợ. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở tiểu thương giữ gìn vệ sinh, không bày bán hàng ở vỉa hè, lòng đường”.

Vượt lên trên tuổi tác, phát huy tinh thần thanh niên xung phong, những người phụ nữ nhỏ bé ấy, dù ở hoàn cảnh nào, đều có điểm chung là đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại khó, tiếp tục giúp người, giúp đời. Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Hai Bà Trưng Hoàng Thị Thới nhận xét: “Trong thời chiến cũng như trong thời bình, các chị đã làm sáng lên hình ảnh cựu thanh niên xung phong với chan chứa tình người, tình đồng chí, luôn thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhau. Các chị luôn là những tấm gương sáng, không quản ngại khó khăn tham gia nhiệt tình các hoạt động ở địa phương và công tác Hội, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua yêu nước”.

Chia sẻ về những việc đã làm, bà Lê Thị Dung nói: “Chúng tôi từng là thanh niên xung phong tham gia chiến trường, nên nghĩ rằng mình cứ làm hết mình vì nhân dân, đồng đội như những năm tháng sôi nổi cống hiến của tuổi trẻ. Hơn nữa, xung quanh còn nhiều chị em khó khăn. Chúng tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể giúp đỡ đồng đội và làm việc có ích cho cộng đồng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ký ức sôi nổi của những nữ công nhân dệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.