(HNM) - Tôi nhập ngũ tháng một năm bảy hai. Nghĩa là những năm Hà Nội còn trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc, đến nay cũng sắp tròn 50 năm rồi. Lên đường cái ngày chỉ còn chừng gần hai tháng nữa là Tết, cảm giác của tân binh, nhất lại là lính thành phố, cứ lâng lâng xốn xang, phân vân kỳ lạ lắm.
Xốn xang vì biết sắp phải ăn một cái Tết xa nhà. Phân vân vì không biết ba ngày Tết có được về nhà, hay đúng hơn, có trốn đơn vị về được không? Đợt tòng quân này, thằng nhiều tuổi nhất chỉ hai mươi, lứa này chủ yếu đi từ các cơ quan, công sở, trường đại học. Thằng ít nhất mười tám (thậm chí mới mười sáu, mười bảy khai man để tình nguyện đi bộ đội), lứa này hầu hết là học sinh hoặc thanh niên đường phố, lêu lổng có và quậy phá phố phường cũng có. Nói thế để biết tất thảy chúng tôi còn trẻ đầu non dại lắm, đã hiểu biết mấy đâu về kỷ luật quân đội, về biên chế, sắp xếp đội ngũ nay mai sẽ như thế nào.
Buổi tiễn đưa tân binh lên đường, cả nhà tôi kéo nhau đi tiễn. Mẹ tôi, các anh chị em - dẫu công tác và lập nghiệp ở xa, và hầu hết bạn bè thân thiết đều có mặt. Lúc xe sắp chuyển bánh, từ chỗ ngồi bên cửa sổ nhìn xuống, tôi thấy mẹ ngoảnh mặt đi, còn bè bạn, nhất là đám con gái, đứa nào cũng lấy khăn tay lau nước mắt giàn giụa. Nhiều đứa còn gào khóc thành tiếng, khiến giây phút chia tay đến là thê thảm, khó thể nói là vui được. (Chuyện này sau ít tháng, tôi kể lại với các đồng đội, một đứa - nghe đâu dân phố Lò Rèn - thủng thẳng bảo: “Cũng phải thôi, mình đâu có hiểu được tâm trạng của người đi tiễn bộ đội lên đường. Nhập lính dịp này, quân sẽ đổ vào chiến trường ráo. Mà ai chẳng biết vào chiến trường giữa thời buổi này, đồng nghĩa với việc khó có ngày trở về. Giữa bom đạn giao tranh, chẳng điều gì dám chắc. Nên tụi nó khóc là phải. Khóc trước đi là vừa…!”. Nghe ông trai Lò Rèn phát biểu thẳng tưng vậy, tôi rùng mình rợn tóc, lắc đầu, mà cũng không thể nghĩ là nó nói sai!).
Xe chúng tôi ra thẳng ga Hàng Cỏ, tất cả tân binh lên tàu. Đoàn tàu chở lính mới chỉ đi tới Yên Sở, một xã thuộc huyện ngoại thành, mà tiếng còi rúc lên nghe sao não nề, chia ly làm vậy. Việc đầu tiên sau thủ tục giao nhận quân, là chúng tôi được phát quân trang. Nghĩa là tất tật quần, áo, tất, giày, chăn, màn, ba lô và mũ, đương nhiên mũ có gắn sao hẳn hoi. Và lạ chưa, suy nghĩ đầu tiên của rất nhiều chàng trai lính phố, sau khi đóng bộ quân phục - cảm thấy rất oai phong, bảnh chọe - lại là rủ rỉ bàn nhau tìm cách trốn về. Cũng xin thưa luôn, họ hoàn toàn không có ý định đảo ngũ, mà thâm tâm chỉ là muốn về vài ngày trưng diện bộ “củ lính” còn thơm mùi vải mới với người thân và nhất là người yêu, rồi dạo phố, chụp ảnh, mặc quân phục đến khắp nhà bà con họ hàng, người thân… Sau đó lại lên đơn vị, muốn ra sao thì ra.
Tưởng bọn họ chỉ tán cho vui vậy, ai ngờ ngay hôm sau, riêng trung đội tôi biến mất già nửa quân số. Chúng nó trốn về thật. Ông trung đội trưởng và bốn tay tiểu đội trưởng khung lắc đầu, nhăn nhó, tuy chẳng bình luận câu nào, mà thú thật, khiến mấy đứa không trốn về, trong đó có tôi, chạnh cảm thấy xấu hổ. Nhưng rồi đúng như tôi dự đoán, chỉ ba, bốn ngày sau, hội bỏ về lần lượt trở lại, không thiếu mống nào. Nhặng xị nháo nhác khoe nhau ảnh mặc quân phục chụp ở khắp nơi, hết Cột cờ Ba Đình, Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, chùa Một Cột, đến bánh tôm hồ Tây, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng… làm mấy thằng ở lại không khỏi ghen tỵ! Có điều là tuyệt không thấy thằng nào báo cáo chỉ huy lấy một câu. Chỉ đến khi bị gọi từng tên, bắt đọc kiểm điểm trước trung đội, thì anh nào anh ấy đều tỏ vẻ ăn năn, hứa hẹn lắm. Nhưng lý do trốn về được đưa ra đồng loạt giống nhau “chúng tôi chỉ muốn khoe bộ quân phục mới!”, khiến một lần nữa ông trung đội trưởng nhăn nhó lắc đầu. Lắc đầu nhưng cũng không giấu nổi điệu nhếch cười sau đấy.
Rồi chúng tôi lại lên tàu kéo quân vào Thanh Hóa. Đơn vị đóng quân huấn luyện cấp tốc một trăm ngày tại một xã thuộc huyện duyên hải Nga Sơn, Thanh Hóa. Và ngoảnh đi ngoảnh lại, Tết Nguyên đán sắp đến nơi. Lính tráng lại nhỏ to bàn chuyện “tút”. (“tút” là một từ lóng của đám lính phố chỉ việc trốn về). “Lần này lại “tút” chứ, mấy ngày Tết ở đây chịu sao nổi”, “Khó đấy, đây cách Hà Nội những mấy trăm cây, đi thế nào?”, “Khó mấy cũng phải “tút”, nghe nói huấn luyện xong mình sẽ vào chiến trường, Tết này có thể sẽ là cái Tết cuối cùng trên đất Bắc…”. Trộm nghe được những cuộc đối thoại ấy, cả trong khi hành quân ra thao trường, lẫn lúc ở nhà ăn hay ngồi lán đại đội sinh hoạt mỗi tối, tôi không khỏi thắc thỏm một điều gì đó chưa rõ ràng. Đặc biệt câu “Tết này có thể sẽ là cái Tết cuối cùng trên đất Bắc”, khiến tôi suy nghĩ lung lắm.
Cũng phải nói thêm, sở dĩ kể lại những chuyện trên, tôi chỉ muốn nêu hiện tình đơn vị tân binh ngày ấy, chứ hoàn toàn không muốn nói là mình “trong sạch”, không a dua theo cánh đồng đội trốn về. Vì quả thật, trong không khí giáp xuân cuối năm ấy, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà trong tôi cháy lên kinh khủng. Trong đầu óc tôi nảy ra một cuộc đấu tranh, giữa hai câu hỏi: Tết này sẽ trốn về? Hay ở lại đơn vị? Chỉ có thế thôi mà mấy đêm thức trắng.
Hai sáu Tết, khi đại đội lục tục chuẩn bị phân công mổ lợn, gói bánh chưng, thì lác đác các tiểu đội đã báo lên trung đội bỗng nhiên quân số thiếu hụt. Rồi hai bảy, hai tám Tết, có tiểu đội chỉ còn lại tiểu đội trưởng và tiểu đội phó. Tình hình được báo cáo lên trên, nên trung đoàn lập đội “kiểm soát quân nhân” tuần tiễu quanh khu vực đóng quân. Khá nhiều anh trên đường “tút” đã bị tóm về. Nhưng cũng có anh vừa bị tóm buổi trưa, tối đến đã không thấy đâu nữa! (Đơn vị lính Hà Nội ngày ấy là như thế, nên về sau các cán bộ khung, cứ nghe nói phải nhận quân thành phố là lắc đầu ngao ngán).
Cuối cùng, kết quả cuộc đấu tranh trong tôi, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ Hà Nội đã thắng. Không nhập hội bàn “tút” từ trước, nên tôi không được cánh “điều nghiên” quái quỷ ma ranh hướng dẫn đường trốn về ra sao. Mà mấy thằng quỷ xứ này cứ như ma xó, đường đi nước bước, đường tắt đường ngang, ra ga ra tàu lối nào… chúng dò hỏi từ đâu mà thông thuộc như lòng bàn tay. Thật bái phục. Cho đến hai chín tết, dường như các tiểu đội đều đinh ninh trong quân số còn lại sẽ không ai “tút” nữa, sau sinh hoạt đại đội buổi tối về, tôi mặc quân phục, nhưng choàng chiếc áo đông xuân dân sự bên ngoài chống rét và cũng nhằm ít ai nhận ra mình là bộ đội. Vẫn để chăn màn nơi giường ngủ, tôi rón rén xỏ giày lẻn ra đường, nem nép qua khỏi làng, đi xuyên vạt cánh đồng, tìm vào một nhà dân xóm bên kia, nơi thường ngày đi tập, chúng tôi vẫn vào xin nước uống.
- Chú Hiền đấy à, gần khuya rồi mà còn đi đâu thế? Vào uống bát nước, chè tươi, tôi mới hãm hồi tối còn ngon lắm… Già rồi thường ít ngủ, nên tôi đi nằm cũng muộn… - Ông chủ nhà máy to ngọn đèn dầu, sởi lởi đón tôi.
- Dạ, chào bác, con xin lỗi vì khuya còn vào quấy quả làm phiền…
- Không sao, không sao… Nhưng cứ nói thật đi… chú đang… trốn về chứ gì?
- Dạ, cũng không dám giấu bác, đúng thế ạ, nhưng quả thực con… không biết đường đi ra sao…
- Nhưng tôi cũng hỏi thật, trốn về, rồi có lên đơn vị không?
- Dạ, có chứ ạ. Con tính chỉ về mấy ngày Tết, rồi lại lên ngay…
- Nếu thật vậy thì được, từ hôm trước, tôi cũng đã chỉ đường cho mấy cậu rồi. Tôi thương các chú cũng như con cái trong nhà, tình cảm với gia đình mấy ngày Tết, tôi hiểu lắm… Nhưng chắc chắn phải hứa sẽ trở lại đơn vị nghe không!
Thế rồi ông chủ nhà tỉ mỉ hướng dẫn tôi đường gần nhất ra Ga Bỉm Sơn, ông còn thuộc cả giờ tàu chạy Nam Định - Hà Nội nên bảo “đây cuốc bộ đến ga, nhanh cũng hơn hai tiếng, tận sáng mới có chuyến tàu chạy Hà Nội, nên vội gì. Chú cứ ngủ lại đây, tôi sẽ căn giờ gọi dậy đi, mới lại để bà nhà tôi nấu niêu cơm nếp, gói mang đi ăn đường, ngồi tàu cho đỡ đói…”.
Ông chủ nhà thật tâm lý, đường tắt ông chỉ tôi đi không hề gặp toán “kiểm soát quân nhân” nào. Tôi lên tàu ở Ga Bỉm Sơn, đúng sáng ba mươi Tết, tất nhiên buổi ấy chỉ là tàu chợ, nên khởi hành chậm giờ hơn, và ì ạch đỗ ở tất tật các ga nhỏ, nên lòng càng sốt ruột mong nhanh tới Thủ đô. Đoàn tàu rúc còi mỗi lần rời hoặc sắp tới các ga, nhưng tiếng còi lần này, tiếng còi báo đưa tôi sắp trở về với mẹ, sắp đoàn tụ gia đình, nghe trong tâm trạng khác lắm. Chẳng biết do tránh tàu, hay bẻ ghi thế nào, qua nhiều ga, tàu nằm lại cả tiếng đồng hồ mới đi, nên mãi đến cuối chiều, trời đã nhập nhoạng tối mới tới ga Hàng Cỏ.
Tôi vội vã xuống tàu, rời ga cuốc bộ hướng thẳng về nhà, vẫn trong bộ đồ nửa lính nửa dân đang mặc. Nghĩ cũng lạ, bọn chúng nó trốn về chủ yếu để khoe bộ quân phục mới, theo như lý do chúng nó viện thế. Còn tôi, mục đích duy nhất của tôi là trở về bên mẹ, cùng ăn với mẹ cái Tết này. Cái Tết cuối trước khi vào chiến trường, với người lính, đã quý giá chừng nào và với mỗi người mẹ bộ đội, chắc chắn là thiêng liêng, cả rưng rưng nữa…
Mẹ tôi làm công nhân gác chắn tàu, nên trước khi về nhà, tôi rẽ qua Khâm Thiên, sợ đang giờ mẹ còn làm việc. Bác đồng nghiệp quen, nhận ra tôi, nửa mừng nửa lo, bảo “con được về phép đấy à?... Bà vừa hết ca rồi, nhưng chắc giờ đang trong bệnh viện. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai ấy, vào ngay đi, may còn gặp…”. Tôi giật mình, toát mồ hôi mặc dù trời giá lạnh, chẳng kịp hỏi thêm gì, cứ thế chạy dọc đường Nam Bộ, mà lòng dạ hoang mang lo lắng, không biết đã xảy ra chuyện gì.
Tôi nhìn ngang, ngó dọc tìm kiếm khắp hành lang bên ngoài phòng cấp cứu, lúc ấy khá đông người, chắc thảy đều là thân nhân các ca bệnh đang nằm trong kia. Mọi khuôn mặt đều lộ rõ sự rầu rĩ, thấp thỏm, lo âu, không có chút gì thể hiện đêm nay là đêm Giao thừa cả. Đang lùi tránh một cái băng-ca do các y tá mặc áo blouse trắng vội vã đẩy qua, thì từ phía sau có ai đó kéo vai khiến tôi giật mình quay lại…
- Ô! Hiền… con đấy à, được về phép hay…
- Mẹ! - Tôi bất ngờ nhận ra là mẹ và cũng bất ngờ vì câu hỏi đầu tiên ấy, bèn đánh lảng bằng cách hỏi lại - Sao giờ này mẹ lại ở đây, đêm nay là Ba mươi Tết mà, nghe bác Quý nói con hoảng hồn, cứ tưởng mẹ bị sao…
Đúng lúc ấy, có tiếng một bác sĩ gọi ra, “Ai là người nhà của Nguyễn Thu Loan, bệnh nhân vừa cấp cứu…?” - “Đây… Đây… Là tôi đây… Có việc gì không ạ…?” mẹ tôi nhanh nhảu đáp. Sau đấy, nghe nói mẹ phải ký giấy đồng ý và nộp phí cho một phẫu thuật nhỏ. Tôi thắc mắc hỏi: “Người nhà mình…? Cô Loan… Là ai đấy mẹ?”.
Mẹ tôi lắc đầu “Không phải đâu con. Nhưng giờ cô ấy làm gì có người thân ở đây được. Tội lắm…”. Rồi mẹ kể: “Cô ấy đi thu nhặt phế liệu, thường qua chắn tàu nên mẹ biết, đã đôi lần mời cô bát nước vối và trò chuyện. Hôm nay, chắc tham công tiếc việc, nên ba mươi còn cố đi. Chiếc xe đạp chở quá nặng và cao ngất những bao gói, nên lúc qua đường tàu loạng choạng nhào ngã, đầu đập xuống đất, ngất xỉu. Cũng may mẹ vừa hết ca trực, nên nhờ anh đồng nghiệp mang giúp xe cô ấy về nhà ở Thanh Nhàn, rồi thuê xích lô đưa cô vào bệnh viện. Dọc đường đi, cô ấy tỉnh được một lần, chỉ kịp nói “chị đừng báo con cháu nhà em biết, chắc ở nhà nó đang luộc bánh chưng. Khổ thế, gói được có hai cái, đậu gạo đều của hàng xóm cho, nhưng khăng khăng “cứ để con bắc nồi, nhà phải có bếp lửa và nồi bánh mới có hương vị Tết chứ”. Giá thằng anh nó chưa nhập ngũ đợt vừa rồi, chắc nhà đỡ neo hơn…”, rồi cô lại lịm đi, không biết gì nữa. Các bác sĩ bảo chấn thương ở đầu cũng nhẹ thôi, khâu ít mũi là trưa mai có thể về được. Cô ấy xỉu chủ yếu vì quá đói. Thành phố mình vẫn còn những gia cảnh, nếu không trực tiếp chứng kiến thì không thể biết được. Họ nghèo, khổ, nhưng chịu thương chịu khó, biết trân trọng và quý giúp nhau lắm…”.
Sau khi hỏi han kỹ giờ cô Loan có thể xuất viện ngày mai, mẹ mới yên tâm cùng tôi trở về. Hai mẹ con đi bộ, vì chỉ còn ngót tiếng nữa là đến Giao thừa, đường phố vắng hoe, làm gì còn xe cộ nào hoạt động nữa.
Đêm cuối năm se lạnh, hè đường phong quang không một bóng người, chỉ thỉnh thoảng thấy nhóm công nhân môi trường còn quét dọn, nhưng không gian đâu đâu cũng tỏa ngát mùi nhang và hương từ những nồi bánh chưng đã đến độ chín. Suốt dọc đường, ngoài những câu chuyện bâng quơ về cảnh xếp hàng mua tem phiếu Tết, chuyện tiểu khu vẫn thông báo các hộ dân cảnh giác đề phòng máy bay địch, chuyện “tổ phục vụ” gần nhà tận hôm nay vẫn nhận gói bánh, nấu cơm và các món ăn thuê…, còn tuyệt nhiên mẹ tôi không đả động gì đến nguyên nhân sự có mặt đột ngột của tôi giữa thời khắc này nữa. Mẹ con về đến nhà cũng vừa lúc sắp Giao thừa. Mẹ nhắc tôi đi tắm rửa rồi vào thắp nhang trên ban thờ, bảo: “Vợ chồng chị Thu tận khu kinh tế mới không về được, anh Thắng con phải trực ban tác chiến trên Bộ Tư lệnh, ba ngày Tết chắc cũng chẳng thể có mặt ở nhà, vậy là Giao thừa này chỉ còn con - không biết có gọi là may mắn không - giúp mẹ thắp nhang trên ban thờ bố…”.
Lựa đúng lúc tôi vừa cắm xong ba nén nhang, sắp chắp tay lễ, mẹ chỉ lên tấm hình bố bên cạnh tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, nghiêm trang:
- Giờ con nói thật đi, lần về này có được đơn vị cho phép không?
Tôi bỗng ứa nước mắt. Làm sao có thể nói dối mẹ lúc này, thú thực kể lại tường tận chuyến bỏ ngũ khốn khổ và gian nan vừa qua, không thiếu một chi tiết. Mẹ tôi vốn kiệm lời, nghe xong chỉ nhắc tôi cùng bà lễ bố rồi sắp mâm cơm Tết, mẹ con cùng ăn. Gọi là mâm cơm, nhưng cũng chỉ có tấm bánh chưng, bát canh măng và đĩa giò thủ. Vừa ăn, mẹ vừa hỏi han chuyện sinh hoạt ở bộ đội, tình cảm của bà con nơi đóng quân, tình hình phòng không của đơn vị ra sao… Rồi cuối cùng, bà nói: “Đất nước mình đang chiến tranh, ngày Tết gia đình nào chả muốn đoàn tụ. Mẹ cũng rất muốn thế. Nhưng nếu muốn đoàn tụ thế này, mẹ đã không đồng ý cho con tòng quân, cho dù theo tiêu chuẩn gia đình ta, con được miễn… Giờ đã chót về rồi, ngày mai, nếu không tiện cùng mẹ đi đón cô Loan, con có thể thu xếp chuẩn bị trở lại đơn vị luôn. Tết nhất, các chiến sĩ đồng đội cũng cần có nhau lắm chứ!”.
… Đương nhiên, ngay trưa hôm sau, mồng một Tết, tôi ra tàu trở lại đơn vị mà không một đắn đo suy tính nào. Sau này, cô Loan trở thành bạn thân thiết với gia đình tôi. Những chàng lính “tút” năm ấy của trung đội tôi đều lập công trong chiến đấu và thảy đã lên sĩ quan chỉ huy cả.
Trong đời người, ai cũng đã từng trải qua nhiều đêm Giao thừa, với những cung bậc tình cảm khác nhau. Nhưng với riêng tôi, năm đó chính là Giao thừa đáng nhớ nhất - Đêm Giao thừa đã khiến tôi hiểu hơn về mẹ, về cuộc sống khó khăn của gia đình mình và người dân thành phố một thời,... đêm Giao thừa đã giúp tôi trưởng thành, khôn lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.