Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức lịch sử qua những lá thư thời chiến

Hạ Yến| 25/07/2020 08:45

(HNMCT) - Nếu trong chiến tranh, từng dòng thư của người lính gửi về quê nhà cho gia đình, cho bạn bè, thầy cô hay người yêu dấu đều rất đỗi riêng tư thì giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, những bức thư tay ấy đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc. Những cuốn sách tập hợp các lá thư thời chiến với những câu chuyện, nhân vật lịch sử xúc động vẫn luôn hấp dẫn bạn đọc hôm nay.

Trang viết máu thịt của đời

Trong lời đề từ của cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng, người sưu tầm, biên soạn cuốn sách từng bày tỏ: “Giữa sự im lặng của những con chữ, những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”.

Tác giả của những bức thư tay, những trang nhật ký chiến trường thuộc nhiều thành phần khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Họ có thể là trí thức, là công nhân, nông dân, sinh viên hay những chàng trai chỉ vừa rời ghế nhà trường, nhưng khi đặt bút viết giữa nơi chiến trường khói lửa hẳn không ai trong số họ tưởng tượng được rằng, có một ngày từng dòng tâm tình của mình lại được xuất bản thành sách đến với hàng triệu bạn đọc nhiều thế hệ.

Những dòng thư khi ấy không cần qua một lớp kính lọc văn chương nào mà hoàn toàn là những cảm xúc chân thực nhất trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có ăm ắp nỗi nhớ niềm yêu, nhưng cũng có cả những phút giây buồn thương, đau đớn... Như liệt sĩ Hoàng Kim Giao trong lá thư gửi cho bố mẹ ngày 10-11-1968, đã bày tỏ: “Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày hòa bình...”. 

Hầu hết tác giả của các bức thư thời chiến đến nay đã không còn. Nhiều người trong số họ đã trở thành liệt sĩ. Có những bức thư của liệt sĩ đã trải qua chặng đường hơn ba mươi năm mới đến được tay người nhận, để giờ đây, mỗi dòng thư tay ấy đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc đánh dấu những trang sử vàng của đất nước.

“Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn”

Ẩn sau mỗi dòng thư riêng là số phận con người, là câu chuyện gia đình, thậm chí là hơi thở của cả thời đại. Bởi thế, tuyển tập sách về những lá thư từ chiến trường nhiều năm qua vẫn thu hút độc giả. Có thể kể đến những đầu sách như Những lá thư thời chiến Việt Nam, Sống để yêu thương và dâng hiến, Thư chiến trường, Những bức thư gửi mai sau... Dù vậy, vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện, những số phận xung quanh những lá thư thời chiến đầy xúc động mà đến nay vẫn đang “ngủ yên” trong mỗi gia đình, dòng họ hoặc chỉ được những người ở địa phương biết đến. Muốn mang đến một phần lịch sử của mảnh đất quê hương thông qua từng chân dung, từng câu chuyện, mới đây cuốn sách Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn đã ra đời.

Theo nhà báo Đặng Vương Hưng, có lẽ Sóc Sơn là đơn vị hành chính cấp huyện - thị - quận đầu tiên trên cả nước sáng tạo ra cách làm mới về xuất bản sách khi khuyến khích, động viên, tạo điều kiện, cho mọi tầng lớp nhân dân huyện nhà cùng viết về lịch sử, truyền thống và niềm tự hào của quê hương.

Có thể bắt gặp trong cuốn sách Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn những nhân vật, số phận bình dị, anh hùng. Đó là chuyện đời - chuyện tình của nguyên mẫu người con gái trong bài thơ Núi Đôi nổi tiếng của Vũ Cao, là “người lính không quân hàm” Nguyễn Văn Kết, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chanh, cán bộ tiền khởi nghĩa đã hai lần “chết” mà vẫn sống thêm gần 70 năm... Những nhân vật xuất hiện trong cuốn sách Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn khá đa dạng, từ người nông dân, dân quân du kích, đến cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh; từ thương binh, liệt sĩ đến các chiến sĩ bị địch bắt, tù đày; từ chiến sĩ binh nhì đến vị chỉ huy cấp tướng đều là người con của quê hương Sóc Sơn anh hùng và huyền thoại.  

Điều đặc biệt, Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn được viết hầu hết bởi các tác giả không chuyên ở Sóc Sơn, từ cụ già đến em nhỏ, từ cán bộ đến người dân, tạo nên sự đa dạng và sức hút chân thực cho cuốn sách. Cuộc tìm kiếm, sưu tầm, thu thập những lá thư thời chiến và nhật ký chiến trường của huyện Sóc Sơn đã thu hút nhiều người dân tham gia và 30 bài viết đã được lựa chọn để khắc họa 2 chủ đề nổi bật trong cuốn sách là Ký ức thời hoa lửaTiếp lửa truyền thống.

Nếu Ký ức thời hoa lửa là bài viết của những người trong cuộc với Nơi hầm tối là nơi sáng nhất, Chúng ta là Đảng viên, Niềm tin chiến thắng, Đi tìm hình cha, Em sống trung thành chết thủy chung, Sáu lần tiễn con đi, Bảy sợi tóc thề... thì Tiếp lửa truyền thống là cảm xúc, suy nghĩ của thế hệ trẻ hôm nay với Rực lửa trái tim người chiến sĩ, Ta đã và sẽ làm gì cho Tổ quốc?, Cảm phục những ý chí và niềm tin bất tử, Sống mãi với thời gian

Bởi thế, Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn đã trở thành nguồn sử liệu chân thực và sinh động về mảnh đất và con người nơi đây, cũng là sự gợi mở về một cách làm sách để tri ân hàng triệu người đã hy sinh cho Tổ quốc.

Ông Nguyễn Nam Hà - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn:

"Nhằm không ngừng đa dạng, đổi mới phương pháp học lịch sử, tiếp cận lịch sử, làm dày thêm, phong phú thêm các nguồn tư liệu lịch sử; khai thác triệt để các chứng cứ lịch sử qua góc nhìn mới, chân thực, khốc liệt - ký ức chiến tranh của các nhân chứng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn đã nỗ lực sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn. Chúng tôi mong muốn những hồi ức về giai đoạn chiến tranh hào hùng nhưng bi thương của dân tộc không bị phai mờ, lãng quên trong tâm thức của các thế hệ sau, những người chưa từng trải qua thời chiến. Đó là cách chúng tôi tri ân, trân trọng quá khứ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ký ức lịch sử qua những lá thư thời chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.