Sách

Phụ nữ Việt Nam một thời qua những bức thư trong kháng chiến

An Nhi 14/02/2024 13:12

Nhân kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), hướng tới Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, sáng 14-2, tại Phố sách Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu, ra mắt cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” nhằm tôn vinh truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

Cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành. Với dung lượng gần 400 trang, cuốn sách tập hợp, giới thiệu những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư hiện lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần làm rõ, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

gioi-thieu-sach.jpg
Giới thiệu, ra mắt sách tại Phố sách Hà Nội.

Qua những lá thư viết tay trong cuốn sách, độc giả không chỉ thấy những dòng cảm xúc chứa chan, mà còn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được tái hiện qua từng câu chữ. Vượt lên trên những khó khăn, gian khổ mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy đã trải qua là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc. Đây chính là những minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

thai-binh.jpg
Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình phát biểu.

Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình khẳng định, cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” là tư liệu quý giá, cung cấp cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước và để mỗi người hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay. Đây cũng là động lực để khơi dậy ý chí, lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo của mỗi người để trở thành một thế hệ công dân hữu ích, mạnh mẽ, năng động, góp phần xây dựng đất nước.

Cuốn sách có lá thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi cho con trai; những lá thư của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, gửi cháu; lá thư của chị Võ Thị Thắng - người con gái có “Nụ cười chiến thắng”, gửi cho gia đình từ Côn Đảo… Có những bức thư của y sĩ cứu thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Thị Ngọc Toản dành cho người yêu là Khánh (sau này là Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được viết trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1973.

sach-phu-nu-viet-nam.jpg
Cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế".

Độc giả có thể đọc những bức thư của nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ, khi họ cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Hay bức thư quý giá của chị Võ Thị Tần, nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, viết cho mẹ vào ngày 19-7-1968…

Tại buổi giới thiệu sách, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng và nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng chia sẻ những thông tin xúc động, thú vị về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử; giá trị, ý nghĩa của cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” đối với thế hệ hôm nay, đặc biệt là bạn đọc trẻ.

Là đơn vị sưu tầm những bức thư để đưa vào xuất bản cuốn sách, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, ý tưởng và công việc sưu tầm, tập hợp, thực hiện cuốn sách đã có từ vài năm trước. Nhưng đây đều là những lá thư tay được viết từ thời kháng chiến, qua thời gian giấy đã ố vàng, chữ phai mờ… Vì vậy, những người biên soạn sách đã kiên trì, tỉ mỉ, cẩn trọng để thực hiện.

Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ, thời kháng chiến, tất cả những thông tin cá nhân muốn chuyển cho nhau; những niềm thương, nỗi nhớ; những điều cần dặn dò, tâm sự… đều được gửi qua lá thư. Phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời mới đến được tay người nhận. Giờ đây, những lá thư ấy không chỉ trở thành di sản mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ phụ nữ ưu tú và tiêu biểu nhất của dân tộc ta dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Song song với bản sách giấy truyền thống, độc giả có thể đọc bản điện tử cuốn sách trên trang https://sachquocgia.vn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Việt Nam một thời qua những bức thư trong kháng chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.