Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc" là chủ đề Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 19-10, tại Hải Phòng.
Hội thảo khoa học được kết nối trực tuyến tới 26 điểm cầu (các Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng) nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, quyết tâm đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt trước đại dịch Covid-19.
Đồng thời, hội thảo giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng đánh giá, gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, nhân chứng lịch sử… gửi đến hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang khẳng định, Hải Phòng tự hào là nơi khởi nguồn con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của thành phố Cảng "Trung dũng - Quyết thắng", Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố được cải thiện mạnh mẽ, thu hút nguồn lực lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố... Hải Phòng được Bộ Chính trị xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Là nhân chứng lịch sử, Đại tá Bùi Tư, nguyên Báo vụ tàu 676, nguyên Chính ủy Vùng 1 Hải quân xúc động nhắc lại câu chuyện "Thuyền trưởng và những chuyến đi". Đối với con đường chi viện cho chiến trường miền Nam - Đường Hồ Chí Minh trên biển, dường như mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên tàu không những có đủ quyết tâm, trình độ chuyên môn hoàn thành vị trí công tác của mình, mà còn là anh em thân thiết, đoàn kết giúp nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để cùng toàn tàu hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù 60 năm đã qua, nhưng chuyến đi của tàu 42 vào tháng 10-1965 tới bến Cà Mau và người thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng (chú Bảy Cứng) vẫn nguyên vẹn trong ký ức của Đại tá Bùi Tư...
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, hội thảo lần này tiếp tục khẳng định Đường Hồ Chí Minh trên biển là một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; lập nên kỳ tích lịch sử và trở thành một trong những nhân tố góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quá trình xây dựng, hoạt động và những đóng góp của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã minh chứng cho sự chủ động, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Quốc phòng; thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, trí thông minh, lòng dũng cảm, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước của quân và dân ta. Từ đây, nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược, sự phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam đã được đúc kết có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở quan điểm khách quan, trung thực, các tham luận trình bày tại hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, những gian khó, hy sinh, mất mát của quân và dân ta; khẳng định và tôn vinh cống hiến của nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác lưu trữ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sau hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh rất mong các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới Đường Hồ Chí Minh trên biển để cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm chiến lược đặc biệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.