Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh (tiếp theo)

TS Phan Đăng Long| 30/11/2012 06:23

(HNM) - Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lịch sử hào hùng dân tộc lại một lần nữa chứng kiến những kỳ tích thời đại của chiến thắng


Trong cuộc chiến đấu ác liệt 12 ngày đêm tháng 12-1972, quân dân Thủ đô đã nhận được sự đoàn kết cao, tạo sức mạnh chung của cả dân tộc cùng một lòng vào cuộc đánh Mỹ xâm lược và quyết tâm chiến thắng, sự giúp đỡ to lớn đầy ân tình của các địa phương cả nước và nhân loại tiến bộ.


Trẻ em được sơ tán về các vùng nông thôn Hà Nội.Ảnh tư liệu

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là sự kết tinh cao của nhiều yếu tố, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân luôn là vũ khí hữu hiệu không kẻ thù nào địch nổi. Trong những ngày bom đạn ác liệt, nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây (cũ)... đã cùng chia lửa với Hà Nội, góp phần phân tán lực lượng kẻ thù. Tham gia chiến đấu, lao động sản xuất tại Thủ đô, không chỉ có người Hà Nội mà hàng chục nghìn người con ưu tú của mọi miền đất nước cũng đã cùng san sẻ khó khăn, vất vả và cả những mất mát, hy sinh. Những thành tích, kinh nghiệm quý trong lao động, sản xuất, chiến đấu của các địa phương cũng được chia sẻ để nghiên cứu vận dụng trong hoàn cảnh, điều kiện của Thủ đô.

Trong suốt thời gian 8 năm (1964-1972) chống chiến tranh phá hoại bằng không quân chiến thuật, chiến lược của đế quốc Mỹ, quân dân cả nước đã sát cánh cùng Hà Nội để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ trung tâm đầu não chính trị, hậu phương lớn, bảo vệ TƯ, Chính phủ và Bác Hồ, cơ quan lãnh đạo chỉ huy cao nhất của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc Việt Nam. Trong những ngày cuối tháng 12-1972, cả nước như cùng hòa với mỗi nhịp đập của "trái tim" Hà Nội. Sau mỗi ngày, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại ngóng chờ tin vui thắng trận cùng Hà Nội, cùng nghẹn ngào đau thương, căm thù quân xâm lược đã trút bom đạn xuống phố phường, bệnh viện, chùa chiền, nhà thờ... gây nên bao đau thương tang tóc ở Thủ đô. Trong suốt thời gian dài chống chiến tranh phá hoại, các tỉnh, thành miền Bắc đã hết lòng yêu thương, đùm bọc hàng trăm nghìn đồng bào Thủ đô, phần lớn là người cao tuổi, thiếu niên, nhi đồng đến địa phương mình sơ tán, ổn định cuộc sống, tiếp tục học tập; hàng trăm cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu... từ Hà Nội đã được chuyển đến các địa phương an toàn, để duy trì lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học... Trong 12 ngày đêm, chỉ một thời gian ngắn, các địa phương quanh Hà Nội đã đón nhận hàng chục vạn người dân Thủ đô về sơ tán.

Có thể nói, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã được làm nên từ sự hiệp đồng chiến đấu tuyệt đẹp trên các chiến trường cả nước. Không chỉ các tỉnh miền Bắc cùng chia lửa đánh trả máy bay Mỹ, cùng góp vào chiến công chung: những xác máy bay rơi, những tên giặc lái bị bắt sống, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", còn gắn liền với những chiến công oanh liệt của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, tuyến đầu Tổ quốc, của Sài Gòn, Huế kết nghĩa. Đồng bào và chiến sĩ trên các chiến trường đã chia lửa với Hà Nội, đã kiên cường chiến đấu với tinh thần: "Giặc Mỹ đụng đến Thủ đô, đến miền Bắc một, thì quân dân miền Nam đánh trả chúng gấp 5, gấp 10 lần".

Trong những ngày Mỹ dùng pháo đài bay B.52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, sức mạnh đoàn kết, tiếng nói lương tri đã cất lên từ khắp các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Bom Mỹ nổ đã làm rung chuyển đến những chỗ sâu xa nhất của lương tâm thời đại, đã gióng lên hồi chuông cấp báo và làm cả nhân loại tiến bộ thấy rõ hơn bộ mặt tàn ác của lũ kẻ cướp nhân danh sự văn minh, tự do, dân chủ. Không chỉ những tuyên bố lên án cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ được cất lên từ các nước XHCN (cũ), mà nó còn được cất lên ở hầu khắp các nước tư bản phát triển và ngay giữa lòng nước Mỹ. Khắp các đường phố các nước vang lên những tiếng thét phẫn nộ của quần chúng lao động: "Đả đảo chính sách ném bom" "Việt Nam là lương tâm của thời đại". Nhiều nước đã nổ ra biểu tình lớn phản đối Mỹ, bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam; quần chúng biểu tình xông vào bao vây đại sứ quán Mỹ, đốt hình nộm và cờ Mỹ, đập phá các phòng thông tin Mỹ… Ở nhiều hải cảng lớn: như Marseille, Toulouse (Pháp), Trieste, Venise (Italia), Menbourne Sydney (Australia)… công nhân tẩy chay không bốc dỡ hàng hóa cho các tàu Mỹ. Ở tận Panama, Nam Mỹ xa xôi, công nhân tổ chức biểu tình đã giương cao khẩu hiệu "Nhục nhã thay bọn xâm lược Mỹ". Ở Pháp, Hội Phụ nữ đã tổ chức "Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam". Ở Urugoay, nhân dân tổ chức "Đêm Việt Nam". Ở Thụy Điển, chỉ vài giờ sau khi các chính đảng ra tuyên bố chính thức phản đối chiến tranh, đòi Mỹ chấm dứt ngay lập tức các cuộc ném bom, đã thu được hơn 20 vạn chữ ký ủng hộ. Trong những ngày này, chính quyền Mỹ bị cô lập thảm hại trên thế giới hơn bao giờ hết, còn Việt Nam, Hà Nội lại có được thêm số lượng khổng lồ bạn bè quốc tế mới. Chứng kiến Hà Nội sống và chiến đấu những ngày cuối năm 1972, với tình cảm chân thành và lòng kính phục bạn bè và dư luận thế giới đã nhận xét: "Chúng tôi gọi Hà Nội là Thủ đô của các giá trị loài người... Các bạn đứng đầu ở chiến hào tiền tuyến vì nhân phẩm và vì các quyền dân tộc của mỗi dân tộc. Không ai được phép quên điều đó". Tạp chí Tại Sao của Mexico khẳng định: "Tất cả các nhà báo đến thăm Hà Nội đã ngạc nhiên trước sự bình tĩnh và lịch sự của nhân dân TP này... Trên nét mặt họ không hề biểu lộ sự mệt mỏi hay thất vọng. Thật là một bài học lớn đối với loài người".

Ký ức về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã đi qua thời gian 40 năm, nhưng chúng ta và nhân loại tiến bộ vẫn còn nhớ đến nó như một khúc tráng ca thời đại, một chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội anh hùng. Ghi nhận chiến thắng và thành tích tuyệt vời đó, Đảng, Chính phủ ta đã biểu dương: "Quân dân Thủ đô đã có vinh dự làm nên một trong những chiến thắng to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng vang dội đó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cả nước ta rất tự hào về Thủ đô anh hùng của mình".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.