(HNM) - Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17-5 tại Campuchia. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia 31/37 môn thi đấu với mục tiêu giành trên 100 Huy chương vàng, phấn đấu lọt vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Đây là kỳ đại hội được dự báo là có nhiều khó khăn, thách thức với thể thao Việt Nam, phải rất cố gắng, nỗ lực mới có thể hoàn thành mục tiêu.
“Điểm mặt“ những bất lợi
Tại SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia dự kiến tổ chức 37 môn thể thao với 583 nội dung thi đấu. Đây là lần đầu tiên SEA Games tổ chức số lượng môn, phân môn và nội dung cao nhất trong các kỳ đại hội. Dù vậy, SEA Games 32 lại không có một số môn trong chương trình thi đấu của Olympic vì nước chủ nhà không chuẩn bị đủ cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, nước chủ nhà đưa nhiều môn thể thao truyền thống vào đại hội, như: Võ bokator, võ kun khmer, cờ ouk chatrang.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn thông tin, dự kiến Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 với hơn 1.000 thành viên (trong đó có 744 vận động viên) tham gia 31 môn thi đấu và 444 nội dung. Mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành 100 Huy chương vàng trở lên, phấn đấu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Tuy nhiên, với việc nước chủ nhà cắt giảm một số môn thể thao thế mạnh của Việt Nam thì việc hoàn thành mục tiêu cũng không dễ.
“Tại SEA Games 32, nước chủ nhà không tổ chức một số môn thể thao Olympic và ASIAD như bắn súng, bắn cung, kurash, thể hình, đua thuyền (rowing, canoeing). Đây là những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam bị loại, khống chế số lượng thi đấu. Vì thế, việc đạt thành tích cao của các môn rất khó khăn và khó đạt số lượng huy chương cần thiết để có được thứ hạng cao như ở SEA Games 31”, ông Trần Đức Phấn cho hay.
Chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh cho biết: "Khó khăn của Đoàn thể thao Việt Nam cũng là khó khăn chung của các quốc gia tham dự, vì vậy chúng tôi xác định sẽ nỗ lực vượt qua chính mình, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, các vận động viên cũng phải đặt mục tiêu cao nhất là cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Từ đó đóng góp vào thành công của Đại hội thể thao khu vực với mục tiêu là hướng tới sự hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực ASEAN".
Nỗ lực vì thành công chung
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, để chuẩn bị cho SEA Games 32 và những nhiệm vụ liên thông là vòng loại Olympic Paris 2024, các đội tuyển quốc gia đã được tập trung ngay từ đầu năm 2023 tại 5 địa điểm là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội với 800 vận động viên, 160 huấn luyện viên, 12 chuyên gia; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với 586 vận động viên, 121 huấn luyện viên, 2 chuyên gia; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng 258 vận động viên, 58 huấn luyện viên, 2 chuyên gia; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ 33 vận động viên, 9 huấn luyện viên, 1 chuyên gia; Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh 47 vận động viên, 10 huấn luyện viên.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh thông tin thêm, để giúp các vận động viên có thể làm quen được với khí hậu, thời tiết tại Campuchia, Tổng cục Thể dục thể thao đưa các đội tuyển đi tập huấn tại các địa điểm có khí hậu tương tự như thành phố Hồ Chí Minh hay Mũi Né (Phan Thiết)…
“Thời gian từ nay đến SEA Games 32 không còn nhiều, trong khi đó đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD, vòng loại Olympic. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tính toán lực lượng sao cho có thể vừa làm nhiệm vụ tại vòng loại Olympic vừa thi đấu tốt ở SEA Games. Muốn vậy ban huấn luyện các đội phải điều chỉnh điểm rơi phong độ của các vận động viên sao cho có thể hoàn thành được cả hai nhiệm vụ. Đây cũng là việc không dễ trong công tác huấn luyện. Ngoài ra chúng ta phải tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung các chuyên gia trong công tác huấn luyện cũng như lên kế hoạch để các đội tập huấn nước ngoài tại những quốc gia mạnh. Một số chuyên gia đang xây dựng kế hoạch tập huấn ngắn ngày như đội judo tập huấn tại Mông Cổ khoảng 20 ngày, đội taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc khoảng 1 tháng. Đội tuyển võ gậy Việt Nam đã mời chuyên gia người Philippines sang huấn luyện", ông Hoàng Quốc Vinh nói.
Còn Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục thể thao) Ngô Ích Quân cho biết: “Đây là giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD, vòng loại Olympic và SEA Games 32. Bởi vậy chúng tôi phải tính toán phân phối lực lượng sao cho bảo đảm thi đấu tốt ở các mặt trận”.
Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu đặt ra tại SEA Games 32.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.