(HNM) - Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi rất may mắn được đến Trường Sa. Trong chuyến đi thú vị và ăm ắp kỷ niệm ấy, tôi được trải nghiệm cùng các chiến sĩ hải quân câu cá đêm trên biển, xem hoa bàng vuông nở ban đêm, cùng trồng rau trên đảo…
Câu cá đêm trên biển Trường Sa
Hầu hết dịp cuối năm, Trường Sa vào mùa biển động. Có đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ phải neo đậu nhiều ngày trời để tránh sóng to, gió lớn mới cập được đảo.
Đêm đầu tiên trên vùng biển Trường Sa, tôi thao thức không ngủ được, hết dậy uống trà, hút thuốc lá vặt rồi lại lên boong tàu ngắm sao và trò chuyện với bộ đội. Ở vùng biển Trường Sa có rất nhiều loài cá như cá thu phấn, thu bè, cá lượng, cá hồng, cá mú, cá mập, cá ngừ… Đảo ngầm là nơi trú ngụ của muôn loài vì cá rất ưa sinh sống và kiếm ăn ở những rạn san hô. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đảo Đá Lớn. Cách đảo chừng 2 hải lý, tàu phải neo lại để sáng hôm sau mới xuống xuồng cập đảo. Khi tàu neo lại là bộ đội rộn ràng chuẩn bị câu đêm. Để chuẩn bị cho một đêm câu thành công thì “cần thủ” phải chuẩn bị chu đáo từ dây câu, đến mồi câu và phải thả câu xuôi theo dòng nước với độ sâu từ 80 đến 100m thì mới có cá to.
Để có mồi câu cũng không dễ. Khoảng 7h tối, bộ đội ta mắc đèn pha, thắp điện rực sáng hai bên thành tàu để bắt mồi câu. Thấy ánh sáng, những chú cá mực lao đến, những đàn cá chuồn phấn khích bay cả lên boong tàu, những “cần thủ” chỉ việc dùng vợt xúc hoặc tóm lấy những chú cá chuồn trên boong làm mồi câu. Người xem câu đông nghịt, thỉnh thoảng lại có tiếng hô: Lên rồi, lên rồi! Đó là những chú cá thu phấn, thu bè nặng cả chục cân, còn con nhỏ nhất cũng vài cân.
Tuy thế, không phải ai cũng có duyên, có người trong một đêm câu được vài chục cân, có người chẳng được con nào. Mỗi khi ai có cá mắc câu thì mọi người xung quanh hồi hộp theo dõi và trợ giúp. Người cùng kéo cá lên, người thì chuẩn bị chiếc mấu (một đoạn gậy dài tầm 3m có gắn thanh thép nhọn hơi cong) để khi cá to vừa lên mặt nước là xiên và kéo lên boong tàu. Có đêm, cả tàu câu được tới vài tạ cá. Nhưng thú vị nhất là có loài cá lượng vàng và cá hồng, cá mú cứ kéo lên mặt biển là chết “lâm sàng” do thay đổi áp suất không khí nên nếu có tuột khỏi lưỡi câu thì vẫn vớt được. Những đêm thu hoạch thắng lợi, ngoài bổ sung cho bữa ăn trên tàu, số còn lại đều được cấp đông, đem tặng các đảo và gửi về làm quà cho người thân nơi đất liền…
Ngoài câu đêm, để tăng gia cải thiện bữa ăn, bộ đội các đảo chìm còn tranh thủ đánh bắt cá. Sáng sáng khi thủy triều xuống, bãi đá san hô còn độ sâu khoảng hơn 1m nước thì lùa cá về phía lưới đã rải sẵn. Người “đánh cá” phải mặc quần dài rất dày và đi giày cao cổ để không bị thương do đá san hô cứa. Nếu hôm nào nhiều cá thì chỉ vài mẻ lưới là được vài tạ…
“Hoa quỳnh” Trường Sa
Những người đi biển hay gọi Trường Sa là quần đảo của bão tố vì nơi này hay sinh ra bão, chỉ có mấy loài cây sống được, bám trụ kiên cường, trong số đó có cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp và sau này thêm 2 loài cây mới thích ứng được là cây tra, cây mù u. Cây bàng vuông giống như bàng trong đất liền nhưng lá dày và dài hơn lá bàng thường. Trong thời tiết khắc nghiệt, cây vẫn phát triển tốt và đặc biệt nở hoa rất đẹp. Hoa bàng vuông nở vào dịp cuối năm hay trùng vào dịp Tết Nguyên đán và chỉ nở vào ban đêm, từ 23h đến 2h sáng. Các chiến sĩ hải quân tự hào đặt cho nó cái tên mới rất mộng mơ là: Hoa quỳnh Trường Sa! Hoa bàng vuông khi mới nở trông giống như bông sen hồng, bốn cánh nở bung ra, bên trong có hàng trăm nhụy tim tím có mùi thơm dịu ngọt và những dịp văn công đến đảo biểu diễn văn nghệ thì những chùm hoa bàng vuông sẽ là tặng phẩm duy nhất ở nơi này gửi “người đất liền”.
Ngoài bàng vuông là biểu tượng của Trường Sa thì các cây phong ba, bão táp, mù u, cây tra cũng góp phần đáng kể phủ xanh diện tích ở các đảo lớn nhỏ nơi này.
Công nghệ trồng rau sạch
Có một nhà thơ khi ra Trường Sa đã viết:
… Ngắm rặng mồng tơi nghe gà cục tác
Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn…
Câu thơ đó ca ngợi sự kiên cường của những chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trường Sa phải đối phó với thời tiết khắc nghiệt, một năm có tới 8-9 tháng không mưa nên nước ngọt nơi này quý giá biết chừng nào. Mà đã thiếu nước ngọt là đồng nghĩa với thiếu rau xanh. Ấy vậy mà việc trồng rau xanh, tăng gia sản xuất như nuôi lợn, gà, vịt, đánh bắt cá ở nơi này gần như một kỳ tích. Trồng rau xanh trên đảo nổi đã khó, ở những đảo chìm thì khó khăn gấp bội. Hằng năm, cứ mỗi chuyến hàng cập đảo, bộ đội rất hồ hởi nhận được những bao tải đất, phân vi sinh, giống để trồng rau. “Công nghệ” trồng rau ở những đảo chìm là làm nhà lưới, bộ đội chọn một chỗ kín gió, dựng vách cao độ 2m và ghép bất cứ thứ vật liệu gì như bao tải, bìa các tông, tre nứa để tránh gió biển, sau đó đổ đất lên làm thành luống gieo hạt.
Để tiết kiệm nước ngọt, mỗi khi vo gạo, rửa rau hoặc tắm rửa, chiến sĩ ta đều tận dụng nước thải để tưới rau. Hằng ngày, sau những giờ luyện tập căng thẳng, các anh phân công nhau đi chăm sóc rau, người nhổ cỏ, người tưới và bắt sâu. Việc tưới nước cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ, vừa bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho rau và còn có tác dụng rửa sạch lượng muối biển bám vào mỗi ngày. Gặp những hôm thời tiết xấu hoặc có bão, các anh lại cất hết những thùng xốp, chậu rau vào trong nhà và chằng buộc, gia cố thật chắc cho nhà lưới vì chỉ sơ suất một chút thì bao nhiêu công sức… trôi xuống biển. Nhìn những luống rau mồng tơi, bầu, rau muống, rau sam ngay ngắn, xanh mướt ở các đảo chìm, đảo nổi giữa nơi trời biển mênh mông chỉ có nắng và gió mới thấy được sự kỳ công của những người lính biển và càng cảm nhận câu thơ “Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn” là sâu sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.