Xã Hồng Kỳ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Sóc Sơn. Nơi đây, vào ngày 17-3-1933, Chi bộ Đảng Tân Yên - chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) được thành lập.
Phát huy truyền thống đó, suốt 91 năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồng Kỳ luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, tích cực học tập, lao động, sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
91 năm Chi bộ Đảng Tân Yên
Xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) hôm nay vẫn còn lưu giữ dấu tích thời kỳ đầu hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nơi đây có địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ bảo tồn, tu bổ khang trang. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong xã nói riêng và huyện Sóc Sơn nói chung.
Ôn lại lịch sử truyền thống của quê hương, theo ông Trần Văn Lập, đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng ở Chi bộ 6, xóm Tân Yên, xã Hồng Kỳ, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, các đảng viên nòng cốt đã tỏa đi các địa phương để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và phát triển phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu năm 1933, đồng chí Nguyễn Tạo, cán bộ Ban Tài chính quản trị trung ương và đồng chí Lê Đình Tuyển, Ủy viên Thành ủy Hà Nội, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã vượt ngục Hỏa Lò lên ấp Tân Yên (xã Hồng Kỳ) để hoạt động cách mạng. T
ại đây, sau một thời gian thâm nhập quần chúng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các đồng chí đã từng bước tuyên truyền, giác ngộ, đưa một số quần chúng tham gia tổ chức cách mạng. Ban đầu, các cán bộ của Đảng gây dựng được hai cơ sở cách mạng ở ấp Tân Yên và ấp Đồng Thố, sau phát triển ra 24 làng, ấp với hơn 200 người tham gia. Nhiều nông dân, tá điền tích cực được giác ngộ cách mạng đã tham gia hoạt động, hình thành tổ chức nông hội, tự vệ bí mật. Trong đó, một số hội viên hăng hái, giác ngộ nhất được giới thiệu để kết nạp vào Đảng.
Để xây dựng hạt nhân cộng sản lãnh đạo phong trào, ngày 17-3-1933, tại khu Lò Bát, khu đồn điền của địa chủ Đỗ Đình Thông (ấp Tân Yên), hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Tân Yên do đồng chí Nguyễn Tạo chủ trì đã diễn ra. Giai đoạn đầu, Chi bộ có 6 đảng viên nòng cốt, do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Các đảng viên gồm: Đỗ Viết Ốc, Nguyễn Đăng Đào, Đặng Viết Thửa, Đặng Viết Tèo và Nguyễn Văn Thư. Về sau, có thêm đồng chí Lê Đình Tuyển tham gia sinh hoạt tại chi bộ này.
Sự ra đời của Chi bộ Tân Yên đã tác động sâu sắc tới nhận thức, tư tưởng và tinh thần cách mạng của nhân dân nơi đây. Nhiều quần chúng giác ngộ và trở thành nhân tố tích cực của phong trào cách mạng, như các ông: Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Sức, Bùi Văn Bình (ấp Tân Yên); Nguyễn Đăng Cấp, Nguyễn Đăng Lãng (ấp Đồng Thố); Nguyễn Văn Vượng (ấp Đồng Đĩa)... Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nông dân, tá điền các ấp ở Hồng Kỳ đã đứng lên đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, buộc chủ đồn điền phải chấp thuận. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, nông dân, tá điền nơi đây càng phấn khởi, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hoảng sợ trước phong trào cách mạng đang lên tại các vùng quê ngoại thành, cuối tháng 9-1933, mật thám Pháp đưa binh lính về đàn áp, buộc một số đảng viên của Chi bộ Tân Yên phải lánh đi nơi khác, hoạt động cách mạng tại đây tạm dừng hoạt động. Tuy tạm thời lắng xuống, nhưng sự kiện thành lập Chi bộ Tân Yên thể hiện sự trưởng thành, chuyển biến của phong trào cách mạng ở địa phương; cổ vũ, động viên, giác ngộ quần chúng nhân dân theo Đảng, đi làm cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, sự kiện này cũng là tiền đề quan trọng đưa phong trào đấu tranh của nhân dân xã Hồng Kỳ phát triển trong các giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng.
Vững bước trên đường đổi mới
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Nguyễn Thị Trà Liên bày tỏ, trong dòng chảy lịch sử 91 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ luôn tự hào là một trong những cái nôi cách mạng của Đảng, không ngừng phấn đấu xây dựng Đảng bộ ngày càng phát triển lớn mạnh. Từ Chi bộ Tân Yên, ban đầu chỉ có 6 đảng viên (năm 1933), đến nay, Đảng bộ xã Hồng Kỳ đã có 591 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ.
Hằng năm, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Huyện ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trên lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đạt được kết quả tích cực. Điển hình, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn Tân Yên nói riêng, xã Hồng Kỳ nói chung được đầu tư đồng bộ, có hệ thống điện - đường - trường - trạm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã còn tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở được một số nghề, như: Sản xuất đồ mộc, xây dựng, sửa chữa cơ khí, dịch vụ, ươm giống cây lâm nghiệp… Nhờ đó, đời sống nhân dân trên địa bàn ổn định, thu nhập bình quân đạt 68,2 triệu đồng/người/năm; công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo; toàn xã chỉ còn một hộ nghèo. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã Hồng Kỳ đã hoàn thiện đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, trình UBND huyện phê duyệt để triển khai trong năm 2024…
Tại buổi làm việc với Đảng bộ xã Hồng Kỳ vào ngày 8-3 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, xã đã biết kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương để xây dựng Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội; đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được nâng cao…
Bí thư Huyện ủy Bùi Duy Cường đề nghị, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồng Kỳ chủ động, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn lĩnh vực thế mạnh để đầu tư, phát triển, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Đảng bộ xã cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác xây dựng Đảng; quan tâm công tác rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, gắn với việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội”; thực hiện tốt công tác dân vận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm công tác giáo dục chính trị,tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã Hồng Kỳ cần lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan tâm phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2024; tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, nhất là giải phóng mặt bằng phục vụ dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để người dân sớm được an cư…
Chặng đường phía trước còn dài và nhiều khó khăn, song với truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Kỳ quyết tâm tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong 91 năm qua, Chi bộ Đảng Tân Yên nói riêng và Đảng bộ xã Hồng Kỳ nói chung đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cụ thể, có 1 gia đình được tặng Bằng có công với nước, 2 cá nhân được công nhận lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, 4 người được truy tặng cán bộ tiền khởi nghĩa; 20 người được trao tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 394 người được tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, 189 người được tặng Huy chương Quân kỳ quyết thắng. Năm 2004, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.