(HNMO) - Sáng 22-7, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và tuyên dương chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu.
Tới dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Phạm Lợi, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố qua các thời kỳ...
Lịch sử đáng tự hào
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, Công đoàn Việt Nam, tiền thân là tổ chức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28-7-1929 tại nhà số 15, phố Hàng Nón, Hà Nội.
Sự kiện thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân do Đảng lãnh đạo, là sự kế thừa truyền thống của Công hội đỏ Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Tổng Công đoàn Việt Nam) sáng lập, là kết quả của sự truyền bá lý luận và tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua các đảng viên cộng sản vào phong trào công nhân nước ta.
Cùng với sự ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, công nhân Hà Nội đã sớm giác ngộ cách mạng, hình thành những cuộc đấu tranh sơ khai, tự phát. Tổ chức Công hội của công nhân Hà Nội bắt đầu được hình thành vào những năm 1927, 1928 ở các nhà máy, xí nghiệp, nhà ga...
Để thống nhất mạng lưới Công hội ở các xí nghiệp, cuối năm 1928, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã chủ trương thành lập Tổng Công hội Hà Nội, đứng đầu là đồng chí Trần Văn Sửu.
Ngày 31-7-1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức được thành lập thay cho Hội Công nhân cứu quốc. Đây là một mốc son đánh dấu sự phát triển của tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng, bảo vệ Thủ đô.
Đến nay, Công đoàn Hà Nội đã trải qua 16 kỳ đại hội. Các phong trào thi đua do Công đoàn phát động đã thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động tham gia. Tổ chức Công đoàn Hà Nội không ngừng phát triển.
Đặc biệt, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành; phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô đã có những bước phát triển với nhiều đổi mới.
Với những thành tích đã đạt được trong 90 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Công đoàn Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh.
Hàng nghìn cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, Công đoàn Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những thành viên đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và luôn là đơn vị tích cực, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Công đoàn Việt Nam.
Trong những năm gần đây, bên cạnh nỗ lực xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thấu hiểu và có nhiều hoạt động vì người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là đơn vị tiêu biểu trong phát triển công đoàn cơ sở, phối hợp thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào sáng kiến, sáng tạo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tại lễ kỷ niệm, Liên đoàn Lao động thành phố tuyên dương 90 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn Thủ đô, đại diện cho hơn 8.000 chủ tịch công đoàn cơ sở trong toàn thành phố.
Xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, đoàn viên, người lao động và nhân dân cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, từ đó phát huy và ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới.
Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và cả nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Công đoàn thành phố tiếp thu đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các ý kiến định hướng, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 3 nội dung trọng tâm.
Trong đó, đồng chí đề nghị, Công đoàn các cấp của thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động các đơn vị học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, kiến thức pháp luật, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Công đoàn các cấp của thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; có các giải pháp thiết thực, chuẩn bị tốt nguồn lực và đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).
Công đoàn các cấp quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật và các chế độ chính sách đối với người lao động, kịp thời kiến nghị với cơ quan pháp luật và cấp trên để nghiên cứu, đề xuất nhằm tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tranh chấp lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong các doanh nghiệp.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Công đoàn các cấp của thành phố cần làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đi đôi với nâng chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, phấn đấu không có cơ sở hoạt động yếu kém. Mỗi cán bộ công đoàn phải là những tấm gương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần tích cực trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội.
Đặc biệt, Công đoàn các cấp của thành phố tiếp tục tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là triển khai sâu rộng các phong trào thi đua thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp; 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 90 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; huy động sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa tới tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động; quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động; xây dựng, củng cố, phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng chí Hoàng Trung Hải tin tưởng, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ giành được nhiều thành quả to lớn hơn nữa, xứng đáng là lực lượng cách mạng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.