Chính trị

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023): Thân thương Bộ đội Cụ Hồ

Phan Thế Hải 22/12/2023 06:25

Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam lập nên nhiều chiến công vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Và, trong suốt tám thập niên qua, đội quân cách mạng anh hùng ấy được người dân cả nước gọi với cái tên trìu mến: “Bộ đội Cụ Hồ”.

bo-doi.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La giúp dân di dời khỏi khu vực ngập lụt. Ảnh: Báo QĐND

Từ nhân dân mà ra

“Bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi thân thương của nhân dân ta khi nói về Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ lâu, “Bộ đội Cụ Hồ” đã là một hình ảnh rất gần gũi, thân quen. Đó là những người chiến sĩ một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.

Sinh thời, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về tên gọi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam giải thích: Từ khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ”, một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào với lãnh tụ của mình.

Cũng do thời kỳ đầu còn hoạt động bí mật ở Cao Bằng, nhiều người khi đó chỉ biết đến “Ông Ké” mà chưa biết tên Bác Hồ. Về sau này, khi đã biết chính xác tên thật của Bác Hồ, biết rõ Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam thì nhân dân gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong một dịp về thăm khu di tích Pác Bó ở Hà Quảng, Cao Bằng, chúng tôi được nghe một cán bộ lão thành ở đây giải thích: Đầu tháng 12-1940, sau khi nhận được báo cáo của đồng chí Phạm Văn Đồng về tình hình trong nước, Bác Hồ lập tức rời Quế Lâm, qua Long Châu, Nam Ninh, Điền Đông, tiến xuống Tịnh Tây - một huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sát biên giới Việt - Trung hoạt động. Đầu tháng 1-1941, Người mở lớp huấn luyện cán bộ tại thôn Linh Quang, hương Cát Bàn, huyện Tịnh Tây, gồm 43 học viên (mà Bác gọi đây là “43 con chim đại bàng”, chuẩn bị “tung cánh” bay về Việt Nam làm cách mạng), với 3 giáo viên là Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Phùng Chí Kiên. Việc mở lớp huấn luyện nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho các cán bộ cách mạng Việt Nam để chuẩn bị về nước đón lấy cao trào cách mạng đang lên, hướng tới việc thành lập Mặt trận dân tộc rộng rãi, mà trước hết là nắm được ba vấn đề cơ bản: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức đoàn thể quần chúng; Cách điều tra, tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện và phương pháp đấu tranh cách mạng.

Trong số “43 con chim đại bàng” ngày ấy, nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt của quân đội như Lê Quảng Ba (1914 - 1988), vị tướng lĩnh người Tày đầu tiên của quân đội, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc; Hoàng Sâm (1915 - 1968), Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, sau này là Thiếu tướng quân đội; Bằng Giang (1915 - 1990), sau này là Trung tướng, từng giữ chức Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Phó Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Vì nhân dân mà chiến đấu

Nội dung lên lớp huấn luyện chủ yếu do Bác Hồ biên soạn, có sự cộng tác của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên. Tác phẩm “Con đường giải phóng” là giáo trình chính. Các học viên được Bác Hồ quán triệt “5 điều nên làm” và “5 điều nên tránh”. “5 điều nên làm” là: “Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; Tìm hiểu phong tục tập quán, chấp hành nghiêm túc các điều kiêng; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây dựng tình cảm tốt với dân; Tùy nơi tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho phù hợp; Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật để dân càng tin thêm”. “5 điều nên tránh” là: Tránh việc gì làm hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa, ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; Tránh sai lời hứa; Tránh vi phạm phong tục tập quán tín ngưỡng của nhân dân; Tránh để lộ bí mật hoạt động. Sau gần 1 tháng thì lớp huấn luyện kết thúc, các thành viên được phái về nước triển khai công tác với phương châm “các thanh niên quê ở đâu thì về hoạt động ở đó”. Có thể nói, đây là lực lượng cán bộ có vai trò hết sức quan trọng đối với cách mạng nước ta trong giai đoạn 1941 - 1945. Đặc biệt là những tư tưởng quan trọng này đã được quán triệt sâu sắc để chuẩn bị cho việc ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, vào tháng 12-1944.

Trên cơ sở “5 điều nên làm” và “5 điều nên tránh”, sau này Quân ủy Trung ương đã biên soạn thành điều 9 trong “10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam”, đó là: “Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân; Giúp đỡ dân; Bảo vệ dân, và ba điều răn: Không lấy của dân; Không dọa nạt dân; Không quấy nhiễu dân; Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí. Xin thề!”.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, những năm tháng trong quân ngũ đều phải dựa vào dân, có lúc đóng quân trong dân, có lúc ở doanh trại nhưng cũng sát với dân, nhờ thấm nhuần 10 lời thề danh dự, đặc biệt là lời thề thứ 9 mà mối quan hệ quân - dân rất tốt. Đúng theo nghĩa quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quân với dân như cá với nước, như anh em một nhà.

Phía trước là nhân dân

Trong thời bình, mặc dù đất nước không còn tiếng súng nhưng với tinh thần “Phía trước là nhân dân”, Bộ đội Cụ Hồ luôn là lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh... Bất cứ nơi nào, dù xa xôi, khó khăn, dù lũ cuốn, mưa nguồn, núi lở, rừng cháy..., bất chấp hiểm nguy bộ đội vẫn có mặt sớm nhất để cứu hộ cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Nơi đồng bằng, mỗi khi mưa bão ngập đồng, bộ đội lại dầm mình gặt lúa giúp dân. Nơi vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, bộ đội kéo điện thắp sáng bản làng, bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh, bộ đội làm thầy giáo dạy cho con trẻ cái chữ, bộ đội tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật...

Để có được tinh thần đó, ngay từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến xây dựng đội quân chủ lực, từ tổ chức đến phương châm hành động, quan hệ giữa đội quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Về mặt tổ chức, Người cho rằng: Phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo và coi trọng xây dựng con người với phương châm “Người trước, súng sau”.

Trong xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người yêu cầu: Phải có đầy đủ các thành phần dân tộc, vùng miền, người địa phương nào cũng có để nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi. Quá trình thực hiện nhiệm vụ “phải dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”. Xây dựng đội quân chủ lực trước hết là về phẩm chất chính trị phải vững chắc, tư tưởng cách mạng đúng đắn, để có thể đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, tin tưởng và đi theo cách mạng. Theo Người, quân sự phải phục tùng chính trị, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Thật khó kể hết những lời dạy của Bác Hồ với quân đội, nhưng dẫu ở thời điểm nào thì Người vẫn nhấn mạnh rằng: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phía trước là nhân dân”. Trên tinh thần ấy, quân đội ta đã gắn bó máu thịt với nhân dân qua mấy cuộc kháng chiến. Nhờ tinh thần ấy, dẫu đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, được trang bị vũ khí tối tân hơn nhưng quân đội ta, nhân dân ta vẫn chiến thắng. Những chiến thắng vĩ đại mà quân đội ta giành được không thể tách rời tư tưởng, đường lối chiến tranh của Hồ Chí Minh, hơn thế là việc xây dựng hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trung với nước, hiếu với dân, vì nhân dân mà chiến đấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023): Thân thương Bộ đội Cụ Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.