Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam: Nhìn lại Chiến dịch Tây Nguyên (tiếp theo)

Theo TTXVN| 14/03/2015 10:41

Tư liệu điểm lại những những sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc kể từ khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn (4/3/1975) đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975).

 * Ngày 9/3/1975: Tiến đánh Đức Lập, giải phóng căn cứ 23 và Núi Lửa

Lúc 5 giờ 35 phút ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh tiến đánh Đức Lập. Đức Lập là quận lỵ nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia về phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột khoảng hơn 50km. Quận lỵ Đức Lập là một quận lỵ lớn nằm trên đường số 14, án ngữ con đường vận tải chiến lược vào miền Đông Nam Bộ. Theo yêu cầu của chiến lược từ cuối năm 1974, việc giải phóng quận lỵ Đức Lập, chiếm đường số 14 ở đoạn này để nối tiếp đường chiến lược vào Lộc Ninh là yêu cầu rất cấp thiết. Việc giải phóng Đức Lập là nhiệm vụ rất quan trọng.

Sau đòn hoả lực chuẩn bị, trung đoàn 66 đã đột kích vào căn cứ 23. Đến 8 giờ 30 phút ngày 9/3/1975, ta đã tiêu diệt quân địch và chiếm được căn cứ 23. Cùng lúc, ở phía Tây, trung đoàn 28 cũng đã đánh chiếm căn cứ Núi Lửa. Sư đoàn 10 tiếp tục tổ chức tiến công vào chi khu (quận lỵ Đức Lập).

Lợi dụng công sự và xe thiết giáp đặt ngầm dưới đất, quân địch trong căn cứ chi khu đã chống trả quyết liệt. Ngày hôm đó, Sư đoàn 10 bộ binh không đánh chiếm xong chi khu và phải tạm dừng lại. Chiều cùng ngày, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm: “Tiến công thị xã Buôn Ma Thuột”.

Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Mê Thuật. Ảnh tư liệu TTXVN


* Ngày 10/3/1975: Giải phóng Đức Lập, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột

Sáng 10/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh tổ chức lại lực lượng, tiến công lần thứ hai và dứt điểm chi khu Đức Lập. Quận lỵ Đức Lập được hoàn toàn giải phóng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch lập tức điều động một bộ phận lực lượng và phương tiện của Sư đoàn 10 bộ binh nhanh chóng chuyển về phía Đông thị xã Buôn Ma Thuột.

Tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ 2 giờ sáng, Trung đoàn 198 đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã, sân bay Hoà Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Cùng lúc đó, pháo chiến dịch chế áp mãnh liệt các mục tiêu: Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk, trại pháo binh, thiết giáp của địch. Cuộc pháo kích kéo dài đến 6 giờ sáng, làm rối loạn và tê liệt cơ quan chỉ huy, tiêu hao một bộ phận lực lượng địch trong thị xã.

Trên hướng Đông Bắc, Trung đoàn 95B tràn lên đánh chiếm khu Ngã Sáu gần trung tâm thị xã. Trên hướng Tây Bắc, theo phương án tác chiến, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) bắt đầu đánh chiếm khu pháo binh và khu thiết giáp, lúc 6 giờ sáng. Đến 15 giờ 30 phút, ta đánh chiếm được mục tiêu trên. Một bộ phận của Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) tiến theo đường Phan Bội Châu, đập tan cụm phòng ngự của địch ở trường trung học Bồ Đề, phát triển sang Ngã Sáu, bắt liên lạc với Trung đoàn 95B.

Trên hướng Tây-Tây Nam, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế. Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) được tăng cường một đại đội xe tăng và một đại đội xe bọc thép nhanh chóng vượt qua các ổ đề kháng của địch ở vòng ngoài, tiến công khu truyền tin và khu vận tải, áp sát căn cứ Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy.

Đến 17 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, bộ đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và Tư lệnh quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú lệnh cho binh lính còn lại trong thị xã “tự thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá” để chờ quân cứu ứng.

Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN


* Ngày 11/3/1975: Giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột; Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị: Nhanh chóng nắm thời cơ giành thắng lợi to lớn hơn nữa

6 giờ sáng ngày 11/3/1975, các đơn vị binh chủng hợp thành của ta từ ba hướng mở trận công kích vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Trong cơn tuyệt vọng, bọn địch cố dồn sức chống đỡ. Máy bay địch ném bom xuống đường phố. Xe tăng M48, M41 của địch liều mạng xông ra bịt các ngả đường.

Đến 11 giờ cùng ngày, sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt. Đại tá Vũ Thế Quang, sư đoàn phó Sư đoàn 23 và đại tá Nguyễn Trọng Luật, tiểu khu trưởng Đắk Lắk bị bắt.

Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng được kéo lên trên cột cờ cao của Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Trận then chốt mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt.

Chiều ngày 11/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi điện khen quân và dân Tây Nguyên đã nêu cao tinh thần quyết thắng, anh dũng và sáng tạo, táo bạo và khẩn trương giành thắng lợi to lớn ngay trong những ngày đầu Chiến dịch và chỉ thị: Nhanh chóng nắm lấy thời cơ thuận lợi, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng lệnh cho Sư đoàn 10 nhanh chóng cơ động về đông bắc thị xã, sẵn sàng làm dự bị và chuẩn bị đánh địch phản kích lớn.

* Ngày 12/3/1975: Ta đánh địch phản kích và thành lập ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk

Sau trận Buôn Ma Thuột, cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ. Bộ Chính trị đề ra chủ trương nhanh chóng nắm bắt thời cơ, giành thắng lợi lớn hơn nữa. Trong sử dụng lực lượng và phát triển tiến công phải linh hoạt, tập trung, không phân tán, khẩn trương và mạnh bạo. Hướng tiến công tiếp theo có thể là Huế, Đà Nẵng và khi có thời cơ, đánh mạnh vào Sài Gòn.

Trước mắt, Bộ Chính trị chủ trương củng cố vùng mới giải phóng sẵn sàng đánh địch phản kích; đồng thời, mở rộng tiến công ra xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk; bao vây, cô lập Pleiku, Kon Tum nhanh chóng phát triển hướng về Cheo Reo. ở Tây Nguyên, chú trọng công tác tiếp quản và chính sách dân tộc. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với các chiến trường là kiên quyết thực hiện kế hoạch ban đầu, nhưng khẩn trương và mạnh bạo hơn.

Ngày 12/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh thông báo cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch tin địch đang chuẩn bị lực lượng phản kích. Bộ Tổng Tư lệnh nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết nhất của mặt trận là tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột và viện binh của chúng. Việc đó “sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Chiến dịch”.

Bộ Tư lệnh đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Bộ đến các đơn vị, đôn đốc bộ đội truy quét tàn binh, diệt các cứ điểm còn lại của địch ở xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, đặc biệt là khu vực hậu cứ của Sư đoàn 23 ngụy (những vị trí địch có thể sử dụng làm bàn đạp phản kích).

Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột cùng bộ đội truy lùng tàn binh, đào hầm phòng không, xây dựng công sự chiến đấu. Ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk được thành lập do đồng chí đại tá Y Blốc làm chủ tịch, động viên và tổ chức nhân dân ổn định đời sống, sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam: Nhìn lại Chiến dịch Tây Nguyên (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.