Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ nguyên độc lập, tự do

Thạc sĩ Võ Quốc Hiển| 31/08/2015 06:19

(HNM) - Kể từ thời Hùng Vương dựng nước, dân tộc Việt Nam có truyền thống kết nối cộng đồng, có tình nghĩa đồng bào sâu nặng, có ý chí sâu sắc về chủ quyền quốc gia, quyền làm chủ đất nước, luôn khát vọng tự do, có ý chí độc lập và không bao giờ khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù.

Giữa thế kỷ XIX, do sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Các cuộc khởi nghĩa của sĩ phu yêu nước liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại. Chàng trai chí lớn Nguyễn Tất Thành với mong muốn mãnh liệt đi tìm con đường cứu nước, cứu dân và đã đi đến phương Tây. Sự nghiệp của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc bắt đầu từ đây. Vận mệnh lớn của đất nước, của dân tộc gắn bó mật thiết với một quyết định của người thanh niên yêu nước đó.

Hành trang của Nguyễn Tất Thành có truyền thống lịch sử mấy ngàn năm đã hun đúc thành bản lĩnh dân tộc. Cùng với truyền thống tư tưởng và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, trong hành trang của Nguyễn Tất Thành còn có những khát vọng, hoài bão lớn về tương lai Tổ quốc và dân tộc là đánh đổ chế độ áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến để vươn lên xây dựng một xã hội mà con người được tự do, bình đẳng, hạnh phúc và văn minh. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm được cái mà mình mong đợi và đây cũng chính là "sự gặp gỡ hầu như có duyên nợ của lịch sử". Nguyễn Ái Quốc có cơ hội đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa chuẩn bị trình bày ở Đại hội lần thứ II của Quốc tế cộng sản (1920). Người đã tìm ra con đường riêng cho Việt Nam: Cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước vì độc lập, tự do. Một mình trong phòng, sau khi đọc Luận cương Lênin, Người đã thốt lên: Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Người còn nói: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản... chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới".

Một học thuyết cách mạng trên cơ sở thực tiễn được truyền bá vào Việt Nam đã đáp ứng được những khát vọng thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp thanh niên trí thức yêu nước đã tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh, làm dấy lên một cao trào dân tộc và dân chủ theo đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng ta đã ra đời và trở thành một tổ chức duy nhất đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử: Lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân với mục tiêu giải phóng dân tộc và giai cấp. Độc lập, tự do chính là tư tưởng cốt lõi nhất trong cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng.

Chiến tranh thế giới thứ hai giống như một cơn bão lớn làm thay đổi số phận của nhiều quốc gia, dân tộc, thúc đẩy các dân tộc đang còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ vùng lên tự giải phóng cho mình khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và phát xít! Đây là cơ hội ngàn năm có một để Đảng ta lãnh đạo và tổ chức toàn dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho nước nhà. Trước yêu cầu lịch sử thiêng liêng và vận hội mới của đất nước, Nguyễn Ái Quốc đã về Việt Nam (1941). Cao Bằng - sau này trở thành quê hương cách mạng - là mảnh đất đầu tiên mà Người đã đặt chân lên sau ba mươi năm tìm hình của nước! Hồ Chí Minh đã triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị đã nhất trí: "Nói đến vấn đề dân tộc, tức là đã nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc... văn hóa của mỗi dân tộc, tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển... sự tự do độc lập của các dân tộc (trên cõi Đông Dương) sẽ được thừa nhận và coi trọng. Cách mạng là sự nghiệp chung của toàn dân, không phân biệt các tầng lớp, xu hướng chính trị, miễn là có lòng yêu nước được tập trung vào một mặt trận đại đoàn kết - mặt trận Việt Minh, ra sức chuẩn bị thực hiện một cuộc khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi, đánh đổ ách thống trị của Pháp và Nhật, thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới".

Giữa tháng 8-1945, thời cơ cách mạng trực tiếp đã đến. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Sau đó, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thông qua Quyết định Tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập, chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ của Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!. Vào thời khắc lịch sử của toàn dân tộc, với hơn 5.000 đảng viên là nòng cốt, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Chính quyền cách mạng đã được thành lập ở khắp các tỉnh, thành phố của cả nước, đứng đầu là Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tiêu biểu cho khối đoàn kết dân tộc, một Chính phủ quốc gia thống nhất. Cách mạng Tháng Tám là một mốc son lịch sử bằng vàng của dân tộc Việt Nam.

Sự ra đời của Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á là "một bước phát triển nhảy vọt lịch sử vĩ đại trên con đường tiến lên của dân tộc theo xu thế tiến triển cách mạng của thời đại". Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Lịch sử đã sang trang: Kỷ nguyên độc lập, tự do với chân lý giản đơn mà Bác kính yêu đã khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã đến với Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cho đến ngày nay - sau ba phần tư thế kỷ - giá trị của Tuyên ngôn Độc lập vẫn nguyên vẹn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thống nhất một cách biện chứng giữa quyền Con người và quyền Dân tộc là nền tảng, là kim chỉ nam soi rọi con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; vì mục tiêu cao cả dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuyên ngôn Độc lập thực sự là dấu ấn lịch sử của Việt Nam, báo hiệu một thời đại mới - thời đại các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới giành quyền sống, quyền độc lập, tự do... Tuyên ngôn Độc lập chứa đựng chân lý nhân loại, thể hiện ý chí, tầm cao tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống, khát vọng của dân tộc Việt Nam, mãi mãi trường tồn trong hành trình lịch sử của dân tộc, trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu quý và rất đỗi tự hào.

Từ sau ngày Nhà nước Dân chủ ra đời, giương cao ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài tới ba mươi năm bằng Điện Biên Phủ - 1954 và Đại thắng mùa Xuân - 1975, đưa giang sơn quy về một mối. Sau chiến tranh, đất nước ta lại được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và ngàn năm vững bền như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, đồng thời là những thử thách mới đầy cam go trên con đường hội nhập và phát triển. Hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và nhiều biến động; tiếp tục đi theo con đường của Cách mạng Tháng Tám chính là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân ta.

Một dân tộc với bề dày hàng mấy nghìn năm lịch sử, với truyền thống yêu nước nồng nàn, với ngàn năm văn hiến, với những chiến công vĩ đại vang dội khắp năm châu, với những con người thông minh, cần cù được Đảng quang vinh tổ chức và lãnh đạo nguyện giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ nguyên độc lập, tự do

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.