Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỹ năng phòng chống cướp đêm tài xế xe ôm cần lưu ý

Bảo Hân| 03/10/2019 14:56

(HNMO) - Sau vụ việc nam sinh chạy xe ôm công nghệ Grab bị sát hại gây xôn xao dư luận, nhiều người hành nghề này tại Hà Nội đã nhìn nhận việc đón đưa khách nghiêm túc và cảnh giác hơn. Sau khi chia buồn với đồng nghiệp xấu số, họ chia sẻ về kỹ năng phòng và tránh trường hợp tương tự khi hành nghề vào ban đêm.

Lái xe ôm chạy về đêm cảnh giác hơn trong việc nhận khách để bảo đảm an toàn cho chính bản thân.

Có nên chụp ảnh khách hàng đi xe ôm?

Anh Nguyễn Hòa Thanh, lái xe Grab lâu năm tại phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gặp trường hợp khách lạ, vẫy xe dọc đường vào ban đêm mà không qua ứng dụng trên điện thoại, anh thường từ chối.

“Bởi sau hơn chục năm chở khách, kinh nghiệm cho thấy sau 22h, khách đi xe ôm thường rơi vào trường hợp nhà có việc đột xuất, "dân anh chị"... Do đó, vì an toàn cho bản thân thì nên bỏ qua những cuốc này”, anh Thanh lý giải.

Thông thường mỗi lái xe ôm truyền thống hay xe ôm công nghệ luôn có khu vực hành nghề nhất định với lượng khách quen ổn định. Tuy nhiên, do đặc thù công việc liên tục di chuyển trên đường, đổi địa bàn hoạt động nên họ cũng có thêm lượng khách mới, khách lạ.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (quê Thanh Hóa), chạy xe ôm khu vực phố Trung Kính cũng cho biết, gặp khách lạ, cánh xe ôm gọi là “khách qua đường” thì tùy theo nhu cầu lái xe mới chở đi.

Anh nói cụ thể: “Ví dụ khách đặt chở ra bến tàu, bến xe, những nơi có địa điểm cụ thể thì lái xe ôm có thể yên tâm. Với những khách yêu cầu đưa đến những địa điểm rất chung chung, mơ hồ, nhìn qua đã biết thuộc diện thanh niên “đầu xanh, đầu đỏ”, hoặc nghi nghiện ma túy thì lái xe nên từ chối. Chưa tính đến việc xấu nhất là bị cướp bóc, trấn lột... thì khả năng bị không trả tiền là rất cao”.

Sau vụ việc nam sinh Nguyễn Cao S (sinh năm 2001, quê Thanh Hóa), hành nghề lái xe Grab bị sát hại vào đêm 26-9, anh Dũng và anh Thanh đều đồng tình với cách làm chụp lại ảnh một số khách khiến họ không có cảm giác an toàn trước khi chạy và gửi cho người thân quen đề phòng bất trắc. Kinh nghiệm này đang được nhiều lái xe ôm truyền tai nhau như một kỹ năng phòng vệ, đề phòng rủi ro nghề nghiệp.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm chạy xe ôm lâu năm tại đầu cầu Long Biên, anh Hoàng Duy Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng việc chụp ảnh khách rồi báo cho đồng nghiệp, người thân khá phức tạp bởi đa phần hành khách đều không đồng ý để cho lái xe ôm chụp ảnh mình.

“Trong những trường hợp đã nhận cuốc xe mà mình cảm thấy bất an thì nên chụp tế nhị, kín đáo hoặc nếu khách biết thì phải có sự giải thích hợp lý, tránh cho khách thấy họ bị nghi ngờ hoặc thiếu được tôn trọng”, anh Khánh nói.

Lời khuyên của các chuyên gia

Trung tá Trần Anh Sơn, Đội Phòng chống tội phạm liên tuyến và địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt Y5/141 Công an thành phố Hà Nội cho biết, kinh nghiệm phòng chống rủi ro nghề nghiệp đối với người hành nghề xe ôm, lái xe taxi là phải đánh trúng và đúng tâm lý tội phạm trước khi bọn chúng muốn ra tay.

Vì tội phạm thường chọn lúc đêm khuya, địa điểm vắng người qua lại để ra tay nên trước khi thực hiện giao dịch đối với đối tượng khả nghi, người lái xe cần để nhiều người biết đến việc mình làm. Có thể thời điểm đêm khuya vắng, lái xe hoạt động đơn lẻ trên một cung đường nhưng khi tiến hành chở khách đã có điện thoại, liên lạc qua tổng đài nên trước mặt đối tượng khả nghi, lái xe cần thực hiện cuộc điện thoại cho người thân, đồng nghiệp thông báo rõ điểm đi, điểm đến hoặc tả sơ qua khách lạ... Lái xe công khai thông tin sẽ làm lung lay ý đồ xấu của đối tượng.

Cơ quan công an thực nghiệm hiện trường vụ 2 đối tượng sát hại nam sinh Nguyễn Cao S.

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm và điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, để hạn chế các tình huống bị đối tượng xấu tấn công, trước tiên người hành nghề lái xe ôm cần tuân thủ đúng Luật giao thông, không chở quá người quy định. Lái xe cần đi đúng lộ trình. Khi đón khách tại các địa điểm phát sinh, các lái xe ôm công nghệ cần thông báo cho tổng đài để quản lý. Tuân thủ những quy tắc đơn giản này là cách các lái xe đã bảo vệ bản thân và làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn hành vi thủ ác của kẻ xấu nếu người hành nghề lái taxi, xe ôm biết dựa vào công nghệ, vào tập thể khi lao động trong một tổ chức nào đó để bảo vệ bản thân. 

Tội phạm sẽ không dám hành động liều lĩnh khi biết được hành tung, thân thế của mình đã bị chính những người lái xe ghi lại và theo dõi qua khâu trung gian là tổng đài, bạn bè, người thân của người lái xe theo lộ trình rõ ràng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng phòng chống cướp đêm tài xế xe ôm cần lưu ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.