(HNM) - Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp được thực hiện tại kỳ họp của HĐND. Đây là hoạt động được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, qua đó, đánh giá vai trò của HĐND và trách nhiệm của đại biểu HĐND đối với những vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị. Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng có kỹ năng chất vấn.
Theo kinh nghiệm của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, đại biểu phải vượt qua ngưỡng không ngại va chạm, tự tin, bản lĩnh khi chất vấn; hoặc phát biểu ý kiến bảo vệ các quan điểm của mình, giúp HĐND có quyết định, kiến nghị đúng đắn, phù hợp với các quy định của pháp luật. Thực tế thời gian qua, nhiều vấn đề nóng, có tính thời sự đã được đại biểu HĐND thành phố chất vấn, tái chất vấn như giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý trật tự xây dựng; xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"; quản lý nhà biệt thự; phòng cháy chữa cháy; an toàn vệ sinh thực phẩm... Sau chất vấn, những vấn đề này trên địa bàn thành phố đều đã có chuyển biến tích cực.
Nhiều đại biểu HĐND thành phố chuyên trách cho rằng, chất vấn đòi hỏi đại biểu phải tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định pháp luật liên quan đến nội dung chất vấn, tái chất vấn, nhằm bảo đảm chất vấn mang tính xây dựng và đúng quy định. Để có được những thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn, đại biểu HĐND cần tích cực tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của các ban HĐND, tổ đại biểu về việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND và các ban, ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn cũng đòi hỏi đại biểu có khả năng trình bày vấn đề, phản biện. Trước khi tiến hành chất vấn, đại biểu chuẩn bị các câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ hiểu, thiết thực, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể. Các đại biểu cũng cần chú trọng tái chất vấn những nội dung kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp trước với tinh thần theo đến cùng vấn đề, thể hiện trách nhiệm của HĐND trước cử tri và nhân dân.
Muốn nâng cao năng lực chất vấn, ngoài tham gia tập huấn kỹ năng của HĐND, mỗi đại biểu phải luôn tự tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho mình. Quan trọng là phải tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, để nắm rõ vấn đề cử tri quan tâm, thu thập, phân tích, xử lý thông tin, từ đó đặt câu hỏi mới “trúng và đúng” vấn đề ở các phiên chất vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.