Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịp thời “giải cứu” sân khấu

Nhật Vũ| 06/06/2021 05:05

(HNMCT) - Sân khấu liên tiếp chịu “cú đấm bồi” từ đại dịch Covid-19: Lần thứ tư phải đóng cửa trong vòng hơn một năm qua, nghệ sĩ gần như ở trạng thái kiệt sức. Trong thời điểm sân khấu tắt đèn, nghệ sĩ ngừng diễn, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các nhà hát phải trăn trở tìm cách để giữ người tài.

Vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" của Nhà hát Tuổi trẻ đã tổng duyệt nhưng chưa thể công diễn do dịch Covid-19.

Khó khăn chồng khó khăn

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 như thường lệ là mùa cao điểm của Nhà hát Tuổi trẻ. Các năm trước, giữa tháng 6 nghệ sĩ diễn vài chục suất, có những ngày cao điểm diễn 5 - 6 suất phục vụ thiếu nhi. Diễn viên, khán giả ra vào liên tục, đường vào rạp số 11 Ngô Thì Nhậm phải chia thành hai lối ra vào trong đợt cao điểm hè. “Thế nhưng trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, ban lãnh đạo xác định mùa diễn cuối tháng 5, tháng 6 khó triển khai. Từ Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi diễn loanh quanh mấy buổi cuối tuần. Người làm công tác quản lý rất tâm tư, anh em diễn viên ngao ngán”, Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ. Vở “Bầy chim thiên nga” tổng duyệt xong không thể công diễn, vở diễn “Cuộc chiến virus” đang rục rịch tập cũng phải tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Khó khăn là bức tranh chung của sân khấu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt từ đầu năm 2021 tới nay. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: Năm ngoái nghệ sĩ chèo còn vớt vát được vài chục buổi diễn, năm nay gần như tay trắng. Ba tháng đầu năm vốn là thời điểm lễ hội, là thời gian xôm nhất của nghệ sĩ chèo nhưng năm nay đóng băng hết. Nhiều vở, chương trình dày công dựng và tập đều phải hủy. Cuối tháng 4, Nhà hát Chèo Việt Nam dự kiến diễn phục vụ du lịch nhưng phải dừng lại. Dựng vở mới hay ghi hình chương trình cho truyền hình cũng không thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam than thở: "Nghệ sĩ xiếc bị “hạ đo ván”. Đến cuối tháng 3 mới có thể trở lại rạp khai xuân với hơn chục buổi diễn, đúng dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 lại chịu “cú đấm bồi”. Tổn thất của liên đoàn khá nặng nề ở chỗ, đoàn nghệ sĩ mang rạp bạt vào Đà Nẵng dựng vở trước một tháng, nhưng tới 29-4 diễn khai mạc được đúng một suất thì thành phố ra văn bản dừng hoạt động để chống dịch. “Bầu đoàn thê tử” về Hà Nội, không còn sức lực nữa, nhìn anh em rất xót xa. Chúng tôi còn phải hủy luôn “Gala xiếc 3 miền” thành thương hiệu 3 năm rồi. Khán giả đã mua vé rất nhiều nhưng thay vì diễn vào buổi tối, buổi chiều anh em phải ngồi trả lại tiền mua vé cho khán giả”, NSND Tống Toàn Thắng ngậm ngùi. Nhiều diễn viên xiếc lỡ về quê đều chưa quay về Hà Nội bởi mất tiền tàu xe mà không có suất diễn, thu nhập. Liên đoàn Xiếc Việt Nam chủ trương hỗ trợ bữa trưa cho diễn viên tới rạp tập luyện, nay cũng không thể duy trì buộc họ phải ở nhà tự tập thể lực.

Giữ nghệ sĩ với nghề

Không có suất diễn đồng nghĩa thu nhập không có, diễn viên mới vào nghề, diễn viên hợp đồng lao đao. NSND Triệu Trung Kiên cho biết, ban lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa biết xoay đâu ra nguồn kinh phí trả lương cho diễn viên hợp đồng.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, trong bối cảnh này cần ưu tiên giữ con người, bởi đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, đào tạo được một diễn viên vô cùng khó khăn. Hiện nay các nhà hát đang thực hiện theo Nghị định 161, lấy tiền thu từ biểu diễn để trả lương cho diễn viên hợp đồng. Khi nhà hát không tổ chức biểu diễn thì hoàn toàn không có nguồn thu để trả lương. Vì vậy, theo ông Tuấn, trước mắt nên kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giữ diễn viên bằng việc linh hoạt trong thực hiện chính sách tài chính. Ý tưởng này được nhiều lãnh đạo nhà hát ủng hộ. NSND Thanh Ngoan đề xuất: “Chúng ta cần sự hỗ trợ ngay và luôn. Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể hỗ trợ các nhà hát 10 - 20 đêm diễn, chỉ cần hết dịch là mỗi nhà hát sắp xếp diễn ngay. Nguồn kinh phí tổ chức hội diễn có thể được sử dụng để hỗ trợ nghệ sĩ biểu diễn nhằm giúp các nhà hát có kinh phí hoạt động”.

Trước tình cảnh khó khăn của các nhà hát, ngày 27-5, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cuộc gặp với lãnh đạo 12 nhà hát công lập thuộc Bộ để lắng nghe nguyện vọng của nghệ sĩ đồng thời bàn giải pháp hỗ trợ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, trước mắt, để giải quyết khó khăn do dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao nghiên cứu để đưa ra con số kinh phí hỗ trợ phù hợp. Trong lúc các nhà hát tạm dừng hoạt động, lãnh đạo Bộ khuyến khích các đơn vị sẵn sàng kế hoạch tổ chức biểu diễn, xây dựng tác phẩm chất lượng cao đủ sức hấp dẫn khán giả ngay khi dịch qua đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịp thời “giải cứu” sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.