(HNM) - Nền kinh tế đã bước vào tháng cuối của năm kế hoạch 2021, với sự phục hồi khá rõ nét bên cạnh sự nỗ lực cho tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về nội dung này.
- Ông đánh giá như thế nào về những điểm sáng kinh tế 11 tháng qua?
- Trong 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác đã nỗ lực vượt qua khó khăn và giữ nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020 - năm dịch Covid-19 không “tàn phá” nền kinh tế như năm 2021. Đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng của nền kinh tế khi trong 11 tháng năm 2021 đạt 26,46 tỷ USD vốn đăng ký mới.
Vị thế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định qua thành tích xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2021 đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tôi muốn nhấn mạnh, kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất khẩu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào “mắt xích” Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Ông có cảnh báo gì đối với vấn đề tăng trưởng trong thời gian tới?
- Trong 11 tháng năm 2021 có 106,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm nhưng đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2021 giảm 10,4% cũng như giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng rất mạnh tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy sự hạn chế của khu vực kinh tế trong nước.
Áp lực lạm phát cao trong năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu. Trong khi đó, giá xăng dầu, nguyên vật liệu thế giới tăng sẽ làm tăng chi phí của nền kinh tế, đặc biệt, chi phí xăng dầu trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế chiếm khoảng 3,52%. Bên cạnh đó, các gói giải cứu và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát của năm 2022.
- Vậy cần những giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
- Trước tiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn dân trong độ tuổi để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý nhưng không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó cần tập trung khai thác thế mạnh, lợi ích của các hiệp định thương mại tự do đã ký nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.