(HNMO) - Ngày 16-4, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4-2021, ghi nhận sức tăng trưởng mạnh mẽ của nước ta trong quý đầu năm, dù cho rằng sự phục hồi giữa các ngành chưa đồng đều.
WB ghi nhận kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5% trong quý I-2021 (so với cùng kỳ năm 2020) - tương đương quý IV-2020, trong bối cảnh chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, song song xúc tiến triển khai tiêm phòng vắc xin.
Sau khi chững lại trong tháng 2, việc đi lại ở các đầu mối giao thông công cộng, hoạt động quán ăn đã phục hồi trong tháng 3, nhưng chưa đạt mức trước đại dịch, phản ánh tác động kéo dài lên ngành du lịch và nhu cầu trong nước. Sản xuất công nghiệp phục hồi khi các nhà máy quay lại hoạt động bình thường, trong khi doanh số bán lẻ vẫn yếu sau khi giảm sâu vào tháng 2.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành. Ngành nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi cú sốc, tăng trưởng 3,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốc từ 5,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý cuối năm 2020 lên 6,3% (so với cùng kỳ năm trước) nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại. Trong khi đó, ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 3,3% (so với cùng kỳ năm trước), bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Các lĩnh vực liên quan đến du lịch vẫn suy giảm nặng nề khi dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành chế tạo kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy móc và xe cơ giới cũng tăng trưởng nhờ sức cầu mạnh từ khu vực kinh tế đối ngoại. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng từ 51,3 vào tháng 2 lên 51,6 trong tháng 3, cho thấy các ngành chế biến, chế tạo phát triển tốt.
Cũng theo WB, máy tính, hàng điện tử và máy móc tiếp tục đóng góp chính vào kết quả xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, trong khi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong tháng thứ hai liên tiếp. Cụ thể, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 18,4% và 27,5% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 3-2020, trong đó, mặt hàng đóng góp nhiều nhất là máy tính, hàng điện tử và máy móc, với xuất khẩu và nhập khẩu của nhóm mặt hàng này tăng lần lượt khoảng 45% và 26%. Xuất khẩu hàng dệt may và giày dép cũng phục hồi, với mức tăng trưởng lần lượt đạt 15,5% và 19,2%, trong khi xuất khẩu điện thoại giảm 19,1% (so với cùng kỳ năm trước). Việt Nam thu hút được 4,6 tỷ USD vốn FDI vào tháng 3-2021, cao hơn 34% so với tháng trước đó.
Để duy trì tăng trưởng ổn định thời gian tới, WB cho rằng, sự cân bằng trong quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam cần được quan tâm đặc biệt, trong đó, cần có thêm biện pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ở một số lĩnh vực như du lịch, vì nhóm này có thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình khôi phục kinh tế sau cú sốc Covid-19.
WB cũng cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến; cân nhắc gói gia hạn thời hạn nộp thuế; tiếp tục hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.