(HNMO) - Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét, với những triển vọng sáng sủa bên cạnh không ít bất lợi, rủi ro đang và sẽ có thể xuất hiện. Lạm phát vẫn là nỗi lo về vĩ mô. Đó là nội dung chính của diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12-5.
Theo Ban tổ chức, triển vọng tăng trưởng GDP từ năm 2022-2023 tiếp tục được củng cố nhờ các yếu tố công nghiệp, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7% trong 2 năm 2022-2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và đầu tư công và việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Nền kinh tế có độ mở lớn với việc Việt Nam đã tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam - đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực.
Dự báo, ngành nông - lâm - thủy sản năm 2022 ở mức 2,5-2,52%. Công nghiệp - xây dựng tăng 6,2-6,6%, thậm chí ở kịch bản tích cực là 7-7,5%; dịch vụ tăng 6-6,5%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, một số tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường. Một số diễn biến trên trường quốc tế phức tạp, có thể gây bất lợi đối với nền kinh tế nước ta.
Dự báo về lạm phát, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, đặt trong bối cảnh thế giới, các yếu tố nguồn cung và căng thẳng địa chính trị cùng với độ mở kinh tế cao thì lạm phát của Việt Nam năm 2022 có thể nằm trong khoảng 4-4,5%.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30%-40% so với năm 2021, CPI sẽ tăng thêm 0,3-0,4 điểm phần trăm, khiến CPI bình quân cả năm tăng lên mức khoảng 3,8-4,2%.
Ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, khi dư địa chính sách tiền tệ bị hạn hẹp do áp lực lạm phát, tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa ở mức 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được đẩy mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cần được đẩy mạnh hơn.
GS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kinh tế số sẽ đóng góp quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cải thiện năng suất lao động, giảm chi phí cho nền kinh tế. Giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 6,68% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế. Do đó, cần xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.