(HNM) - Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Sudan và Nam Sudan về phân chia biên giới và nguồn lợi từ dầu mỏ cũng như những cáo buộc vũ trang chống phá lẫn nhau chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trung tuần tháng 3-2012, nhật báo Khartoum Al-Sudani của Sudan dẫn lời Phó Tổng thống nước này, Al-Haj Adam cho biết, Sudan đã ra lệnh đóng cửa biên giới với Nam Sudan nhằm chấm dứt các hoạt động nổi dậy tại khu vực này. Trong tuyên bố của mình, ông A.H.Adam nêu rõ, mối quan hệ thân thiện với Phong trào giải phóng nhân dân Sudan (SPLM) đã bị rạn nứt do SPLM bao che các hoạt động của SPLM nhánh phía Bắc (SPLM-N), chống chính quyền Khartoum. Cùng thời gian này, một nhóm vũ trang không rõ danh tính đã bắt cóc một công dân Mỹ đang làm việc cho Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc (WFP) và lái xe người Sudan, khi họ đang trên đường tới văn phòng làm việc ở thành phố Nyala. Còn tại Nam Sudan, chỉ trong hai ngày (9, 10-3), tại một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc bang Jonglei, đã xảy ra xung đột bộ tộc đẫm máu làm hơn 220 người chết và khoảng 150 người bị thương.
Dư luận cho rằng, căng thẳng giữa hai quốc gia, các bộ tộc của hai nước đã và đang ở mức cao trào, trực chờ nổ ra cuộc chiến nếu không có giải pháp hữu hiệu. Cuối tháng 2 vừa qua, các tay súng ở Sudan đã giết hại 150 binh sĩ của chính phủ trong trận giao tranh dọc biên giới tranh chấp với Nam Sudan, khiến chính quyền Sudan phải lên tiếng đe dọa đáp trả nước láng giềng mới giành độc lập. Trước đó, Người phát ngôn quân đội Nam Sudan Philip Aguer cho biết, các máy bay chiến đấu của Sudan đã ném bom một khu vực tranh chấp mà Juba tuyên bố chủ quyền, phá vỡ thỏa thuận không xâm lược mà hai bên đã ký kết. Gần đây, 4 phong trào phiến quân Sudan đã tuyên bố thành lập liên minh cách mạng nhằm lật đổ Chính phủ Khartoum. Lo ngại trước tình hình bạo lực, xung đột gia tăng, ngày 6-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một cảnh báo mạnh mẽ nhằm làm dịu căng thẳng đã yêu cầu hai nước chấm dứt các cuộc tấn công và hành động thù địch tại khu vực biên giới.
Mâu thuẫn giữa hai bên bùng phát ngay sau khi Nam Sudan tách khỏi miền Bắc và trở thành một quốc gia độc lập (tháng 7-2011) và sở hữu 75% số dầu mỏ của Sudan, với 90% thu nhập ngân sách dựa vào dầu mỏ. Vấn đề gây bất đồng, tranh cãi là việc phân chia nguồn lợi từ dầu mỏ, bởi tất cả cơ sở và đường ống dẫn dầu phục vụ xuất khẩu dầu lại do Sudan kiểm soát. Tranh cãi đã nổ ra khi hai bên chưa thống nhất được về chi phí Nam Sudan phải trả cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, việc phân định biên giới giữa hai bên đã không đạt được thỏa thuận. Quân đội Sudan cáo buộc Nam Sudan ủng hộ Liên minh Cách mạng (là lực lượng kết hợp giữa Phong trào vũ trang Darfur và SPLM-N) thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào khu vực Buhairat Al-Abiyad ở biên giới giữa hai nước. Ngày 10-2 vừa qua, nhờ những nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế, hai bên đã ký hiệp ước không xâm lược trên biên giới tranh chấp. Theo đó, hai nước thống nhất tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực dưới mọi hình thức, đồng thời tôn trọng lợi ích và hòa bình chung. Tuy nhiên, sự tồn tại của hiệp ước ấy rất mong manh vì mâu thuẫn, căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Hiện tại, hai quốc gia láng giềng này chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết bất đồng. Trong một động thái mới, ngày 13-3, Sudan và Nam Sudan mới ký thỏa thuận sơ bộ về quy chế công dân và phân định biên giới dưới sự trung gian hòa giải của Liên minh Châu Phi. Tuy nhiên, để giải quyết được tận gốc vấn đề, cần phải có thiện chí tích cực từ cả hai phía. Bởi nếu xung đột tiếp tục lan rộng, chẳng những Sudan và Nam Sudan không thu được nguồn lợi từ dầu mỏ mà còn khiến tình hình rơi vào bế tắc, đẩy nền kinh tế của hai nước tụt dốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.