(HNMO) - Ngày 14-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn - Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 - sự kiện thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp do VCCI-VBCSD thực hiện thường niên từ năm 2014.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký VCCI, Tổng Thư ký - Phó Chủ tịch điều hành VBCSD Nguyễn Quang Vinh nhận định, những năm qua, với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp tiên phong, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã trở nên gần gũi hơn. Kinh tế tuần hoàn cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn; đồng thời, không ngừng nhắc nhở có thể sử dụng nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại.
"Nền kinh tế sẽ đạt được vòng tuần hoàn khép kín với sự tham gia tổng thể và toàn diện của các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất thông qua việc chia sẻ thông tin, ứng dụng những mô hình kinh doanh mới, kết hợp các chuỗi cung ứng nhằm đạt được những mục tiêu được tính toán khoa học với sự hỗ trợ từ hệ thống luật và các quy định quản lý từ Chính phủ”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong phát biểu của mình, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Thế Toản đã cập nhật những quy định chi tiết tại điều 141, 142, 143 của Luật Bảo vệ môi trường về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nước dành cho các bộ, UBND các tỉnh và các doanh nghiệp, cũng như những chính sách khuyến khích từ Chính phủ. Phát biểu nhấn mạnh việc Nhà nước khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải, huy động sự tham gia của các nguồn lực trong xã hội.
Về phần mình, đại diện Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), Giám đốc chương trình Kinh tế tuần hoàn Brendan Edgerton đã có bài trình bày về “Kinh tế tuần hoàn: Quan sát và thực tiễn”, trong đó cho biết nhân loại chỉ mới đưa được 8,6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn, và nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.
Tại hội thảo, các đại biểu đã theo dõi báo cáo kết quả nghiên cứu do VBCSD thực hiện nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam, tập trung vào ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn được triển khai từ tháng 5 đến tháng 9-2021.
Kết quả cho thấy, 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì; các doanh nghiệp FMCG đã có sự chuẩn bị tích cực cho việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng hoạt động hợp tác và truyền thông còn thiếu và yếu.
* Trong khuôn khổ hội thảo, tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - công cụ thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế xanh và bền vững” cũng đã diễn ra với sự tham gia và chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.