Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế tư nhân - Động lực của phát triển

Hồng Sơn| 04/04/2018 06:05

(HNM) - Chưa khi nào khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định vị thế quan trọng như trong thời điểm hiện tại...


Sản xuất hàng hóa tại Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức).Ảnh: Bá Hoạt


Bài đầu: Khẳng định vị thế quan trọng

Chưa khi nào khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định vị thế quan trọng như trong thời điểm hiện tại. Nhận thức rõ chủ trương của Đảng, Hà Nội đã chủ động vào cuộc, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển để phát huy nguồn lực trong dân, tăng nguồn thu cho ngân sách...

Làn sóng khởi nghiệp


Hiện nay, Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 40% GDP và tạo việc làm cho hơn 50% tổng số lao động trên địa bàn. Thực tế ghi nhận một số đơn vị phát triển nhanh, bền vững chứng minh cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân, như các Công ty: Tân Á Đại Thành, Minh Tiến, Sunhouse, Lioa...
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã, đang diễn ra theo xu hướng tăng dần qua thời gian. Riêng quý I-2018, Hà Nội có thêm 5.010 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 48.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017. Thực tế này cho thấy, làn sóng khởi nghiệp đang được duy trì, niềm tin vào tương lai kinh doanh của người dân đang được củng cố.

Song, các doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ nên “sức khỏe” rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu, thường đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ, làm mất đi sức cạnh tranh với doanh nghiệp "ngoại". Bên cạnh đó, trình độ quản lý của doanh nghiệp tư nhân bộc lộ bất cập vì một bộ phận không nhỏ chủ doanh nghiệp vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cảm tính và kinh nghiệm tự tích lũy nên khó chống đỡ khi đối diện những vấn đề nghiêm trọng, nhất là liên quan đến pháp luật hoặc xử lý tranh chấp thương mại...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Sản xuất hàng kim khí tại doanh nghiệp tư nhân Năm Lan (huyện Thạch Thất). Ảnh: Bá Hoạt


Trước thực tế trên, sự vào cuộc đồng bộ, nhất quán và quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, có sức lan tỏa rộng. Ngày 1-9-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII "về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Sau đó, ngày 2-3-2018, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình 18-CTr/TU nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo với định hướng phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Một số chỉ tiêu cụ thể được xác định: Hằng năm có 30-35% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới, sáng tạo; năng suất lao động tăng 4-5%/năm; phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn có 400.000 doanh nghiệp hoạt động.

Bức tranh doanh nghiệp tư nhân trở nên sáng sủa là nhờ kết quả hành động tích cực và liên tục của cả hệ thống chính trị. Trong mấy năm gần đây, thành phố luôn theo sát diễn biến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, tìm hiểu tình hình và sẵn sàng đối thoại, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của Hà Nội liên tục tăng qua các năm gần đây và vừa tăng 1 bậc (13/63) trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Như vậy, Thủ đô đã bước vững chắc vào nhóm 15 địa phương dẫn đầu, tiếp tục khẳng định định hướng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, kiên trì mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh.

Xét từ các cơ quan chức năng cũng cho thấy sự chuyển biến trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng hiệu quả và thuận tiện. Đến nay, tỷ lệ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt gần 100%. Bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trung bình mỗi cán bộ tiếp nhận, giải quyết khoảng 40 lượt hồ sơ/ngày (trước đây là 10 hồ sơ/ngày). Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp vẫn đang tiếp diễn, ngày càng nhanh mạnh hơn.

Nhận xét về công tác cải cách hành chính liên quan đến doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc, kế toán Công ty TNHH Duyên Hải chia sẻ, hiện đơn vị có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, nên việc thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế đang mang lại hiệu quả rõ rệt, với lợi ích thiết thực không cần đến cơ quan thuế cũng có thể kê khai, nộp thuế...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, từ vị thế khiêm tốn thì nay doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là động lực phát triển, ngang bằng với các thành phần kinh tế khác. Trên thực tế, sự vào cuộc quyết liệt, kết quả xây dựng thể chế cũng như thực thi công vụ của hệ thống cơ quan chức năng TP Hà Nội ngày càng hoàn thiện, mang lại những tác động rõ rệt đối với doanh nghiệp, giúp họ tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả hơn.


Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, các đơn vị thực hiện hoàn thuế điện tử đã giảm được 50% về nhân lực. Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện thành công đề án đăng ký, cấp mã số doanh nghiệp tự động cấp độ 4. Theo đó, các công việc liên quan được thực hiện không quá 30 phút, tức chỉ bằng 12,5% thời gian của quy định là 4 giờ.


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tư nhân - Động lực của phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.