Thế giới

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà giảm tốc: Lo ngại về hiệu ứng dây chuyền

Hoàng Linh 30/08/2023 - 07:43

Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023, nhưng tình trạng suy giảm liên tục và đáng kể trong những tháng gần đây đang tạo nên nhiều tác động tiêu cực mang tính dây chuyền trên quy mô toàn cầu.

Điều này gây ra không ít lo ngại về tăng trưởng kinh tế sẽ không như dự kiến của nhiều quốc gia.

trung-quoc.jpg
Sức mua từ Trung Quốc sụt giảm trên mọi lĩnh vực đang tác động xấu tới nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Các ngân hàng đầu tư toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Barclays, tiếp tục duy trì dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dưới 5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Bắc Kinh đặt ra. Đây là chiều hướng đáng lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc - lớn thứ hai thế giới, có mối liên kết chặt chẽ, thậm chí mang tính quyết định đối với nhiều nền kinh tế khác.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng phân tích, nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng 1% thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ được thúc đẩy thêm khoảng 0,3%.

Tuy nhiên, lúc này tác động tiêu cực từ nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc đang thể hiện ở hầu hết mọi khía cạnh.

Về thương mại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm liên tục trong 9 tháng trở lại đây, do nhu cầu trong nước đi xuống. Nguồn hàng từ châu Á và châu Phi suy giảm nặng nề nhất, với giá trị nhập khẩu giảm hơn 14% trong 7 tháng năm 2023.

Nhật Bản - nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, trong tháng 7 đã ghi nhận xuất khẩu sang Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Nhiều nền kinh tế du lịch, trong đó có Thái Lan, giảm doanh thu vì thiếu khách Trung Quốc...

Về tài chính, sự phục hồi yếu từ Trung Quốc và vụ phá sản của gã khổng lồ bất động sản Evergrande đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút hơn 10 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán nước này, chủ yếu thông qua bán tháo cổ phiếu.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cả hai ngân hàng lớn Goldman Sachs và Morgan Stanley đều khuyến nghị giảm mua cổ phiếu Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về rủi ro đang lan rộng sang phần còn lại của khu vực.

Thực tế, khó khăn kinh tế cũng khiến đồng nhân dân tệ giảm hơn 5% so với đồng USD. Barclays nhận định, điều này tác động lớn đến các đồng tiền ở châu Á, Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu, đặc biệt là Singapore, Thái Lan, Mexico và Australia.

Sự phục hồi yếu của kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân được nhiều ngân hàng trung ương viện dẫn khi hạ dự báo tăng trưởng quốc gia thời gian vừa qua.

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 châu Âu trong quý III-2023 vẫn là 0%, trì trệ như quý trước đó. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 1,6% xuống 1,4%.

Về phần mình, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) hạ dự báo tăng trưởng của đảo quốc sư tử còn từ 0,5-1,5%, thay vì 0,5-2,5%.

Tuy nhiên, một số phân tích cũng chỉ ra, bức tranh không hoàn toàn màu xám. Bởi suy thoái kinh tế Trung Quốc đang kéo giá dầu và chi phí vận chuyển hàng hóa đi xuống, do tiêu thụ giảm.

S&P Global ngày 29-8 cho biết, Bắc Kinh thậm chí ban hành hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm dầu mới, cho phép doanh nghiệp bán dầu dư thừa ra nước ngoài.

Những diễn biến như vậy rõ ràng đem tới lợi ích cho các nền kinh tế đang vật lộn với lạm phát cao, như Mỹ hay châu Âu. Một số thị trường mới nổi, như Ấn Độ, cũng tìm thấy cơ hội tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các tập đoàn toàn cầu tìm cách tái cơ cấu.

Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận thực tế là nếu tình trạng giảm phát của Trung Quốc kéo quá dài có thể dẫn tới phần còn lại của thế giới - nhất là Mỹ và châu Âu - cùng rơi vào suy thoái, rất nguy hiểm.

Trong cuộc gặp vừa qua với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã nhấn mạnh tới khía cạnh này, và khẳng định cả thế giới kỳ vọng hai quốc gia với mức trao đổi thương mại song phương hằng năm đạt hơn 700 tỷ USD sẽ duy trì được mối quan hệ kinh tế ổn định.

Để tránh kịch bản xấu, Trung Quốc đã liên tục tung ra các biện pháp ứng phó. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,55% xuống 3,45%, trong khi duy trì lãi suất đối với kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp, ở mức 4,2%.

Động thái này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay ở mức lãi suất hấp dẫn hơn, qua đó khuyến khích sản xuất kinh doanh, chặn đứng đà giảm tốc của nền kinh tế.

Trước những diễn biến đặc biệt phức tạp, hơn bao giờ hết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần hành động quyết liệt và linh hoạt, không chỉ để bảo đảm sức sống của nền kinh tế đất nước mà còn chặn đứng những rủi ro có tính chất dây chuyền trên quy mô toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà giảm tốc: Lo ngại về hiệu ứng dây chuyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.