Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và đều

Hồng Sơn| 28/09/2010 07:26

(HNM) - Những dự báo về một kết quả sáng sủa trong phát triển kinh tế Thủ đô của các chuyên gia đã được thực tế chứng minh và đầy thuyết phục bằng số liệu thống kê…

9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước, nhờ sức tăng mạnh của ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ và nông - lâm - thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó tất cả các khu vực kinh tế đều tăng. Đạt kết quả trên là do cơ chế chính sách và môi trường sản xuất - kinh doanh (SXKD) ngày càng thông thoáng, từ đó kết quả huy động vốn rất khả quan. Tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng đạt gần 114.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, 9 tháng qua, thành phố đã cấp đăng ký kinh doanh cho 13.100 doanh nghiệp mới, với số vốn đăng ký khoảng 485.480 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy môi trường và sức hấp dẫn, khả năng sinh lời của đồng vốn đã được giới đầu tư cân nhắc, tin tưởng sẽ diễn ra theo hoạch định của họ.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh

Nền kinh tế Thủ đô được tiếp sức kịp thời, bổ sung thêm những năng lực sản xuất mới, làm gia tăng quy mô kinh tế và nguồn đóng góp cho ngân sách. Hà Nội đã thu hút được 229 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 329,2 triệu USD, trong đó có 194 dự án cấp mới, 35 dự án đăng ký tăng vốn. Trong số đối tác đầu tư vào Hà Nội (ngoài các khu công nghiệp và khu chế xuất), Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ nhất, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản. Về số lượng dự án, Hàn Quốc đứng thứ nhất, tiếp theo là Nhật Bản… Dự kiến cả năm 2010, thành phố sẽ thu hút được 350 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 800 triệu USD (tăng 53,5% so năm 2009). Đáng chú ý là Hà Nội tập trung phát triển các nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu cao và gia tăng về số lượng, như đồ gỗ, vật liệu xây dựng, túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ… Thành phố cũng định hướng cho DN hướng vào các thị trường có sức mua lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… để tận dụng tối đa tình hình phục hồi kinh tế ở các đối tác này, bên cạnh việc quan tâm thỏa đáng tới các thị trường mới có nhiều tiềm năng như châu Phi, Trung Đông, Nam Á… Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu 9 tháng trên địa bàn tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 28,1%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như gạo, dệt may, hàng điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi... Cùng với đó, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong 9 tháng đạt hơn 6,6 triệu lượt người, tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng 22,8%. Doanh thu kinh doanh lữ hành, khách sạn tăng 28% là do năm 2010 là năm quốc gia du lịch và tác động tích cực từ sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Du lịch đang là ngành có sức bật và kết quả hoạt động tốt nhất trong đời sống kinh tế Thủ đô...

Năm nay, Hà Nội phấn đấu tăng GDP 10,9% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng thể. Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tăng tốc độ triển khai, hoàn thiện các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là công trình giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, kích thích SXKD. Thành phố cũng dành nhiều nguồn lực cho việc hoàn thiện đúng tiến độ những công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phát huy sức mạnh tổng hợp về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, vị trí trung tâm Đồng bằng Bắc bộ, Hà Nội phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế, đóng góp xứng đáng vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.

9 tháng đầu năm: GDP cả nước tăng 6,52%

Ngày 27-9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điểm lại tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá cao và là tín hiệu khả quan, cho thấy sức hồi phục của nền kinh tế ngày càng rõ. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng qua đạt hơn 574.000 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, với nhiều loại sản phẩm tăng khá, như sữa bột, khí đốt thiên nhiên, quần áo, tủ lạnh, xi măng, xe máy… Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ và cao hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra từ đầu năm là tăng hơn 6%. Do xuất khẩu khá, nên nhập siêu đã được kìm hãm ở mức 16,7% (mức chỉ tiêu là dưới 20%). Vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,1 tỷ USD, tuy giảm 12,7% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị giải ngân thực tế lại đạt hơn 8 tỷ USD (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Cả nước có thêm 61.000 DN mới đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký hơn 418.000 tỷ đồng, tăng 28% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm trước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và đều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.