(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng nhanh và tương đối toàn diện. Tuy nhiên, trước tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để tạo đà cho kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6% đến 6,5% trong năm 2022.
Tín hiệu tích cực, lạc quan
Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố Hồ Chí Minh, là năm kiến tạo nền tảng, chuẩn bị tiền đề cho năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI. Chính vì vậy, năm 2022, thành phố đã dồn lực để tăng tốc phát triển kinh tế nhằm phấn đấu đạt mục tiêu cả năm đã đề ra. Trên tinh thần đó, các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh Sài Gòn cho biết, thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành cao su - nhựa thành phố vẫn tăng trưởng khá, đạt từ 10% đến 20% mỗi năm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố đạt 3,82%. Từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV của năm 2021, đến quý I và quý II năm 2022, kinh tế thành phố tăng trưởng dương, lần lượt là 1,88% và 5,73%. Tình hình thu ngân sách thành phố đạt 61,74% dự toán (238.648 tỷ đồng), tăng 17,49% so cùng kỳ… Với kết quả này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, kinh tế của thành phố phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng, đem lại tín hiệu tích cực, lạc quan cho thời gian còn lại của năm 2022.
Trước bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp, dịch bệnh diễn biến rất khó lường, trong khi kinh tế của thành phố có độ mở lớn, nên nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 hết sức nặng nề. Do đó, cần có giải pháp đột phá để tạo xung lực mới cho kinh tế thành phố.
Cần bảo đảm bền vững
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nếu tình hình thế giới bất ổn kéo dài, các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố có biến động, sẽ gây nguy cơ phát triển thiếu bền vững trong tăng trưởng giá trị xuất khẩu thời gian tới. Trước thực tại đó, Sở Công Thương thành phố đề xuất, trong rổ hàng hóa xuất khẩu, cần xác định nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên hỗ trợ.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, cơ quan này đang khẩn trương tham mưu UBND thành phố xây dựng và triển khai 3 chiến lược phát triển các ngành trọng điểm (cơ khí - tự động hóa, hóa dược - cao su nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm) đến năm 2030. Song song đó, ngành Công Thương thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo phương thức thương mại điện tử; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...).
Thành phố cũng xác định trọng tâm là phát triển cung cấp dịch vụ tài chính, đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị... Thành phố cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung phát triển một số sản phẩm có thế mạnh của thành phố thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% trong năm 2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các ngành, các cấp quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả 19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022 theo nghị quyết của HĐND thành phố. Đối với 49 chương trình, đề án mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan “khởi động” ngay từ bây giờ, quyết tâm đến tháng 10-2022, tất cả chương trình, đề án phải được triển khai một cách thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nửa đầu năm 2022, kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh và khá toàn diện, cơ bản đạt như giai đoạn trước dịch bệnh. Tuy vậy, thành phố không được lơ là, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để kinh tế thành phố không những tăng trưởng nhanh mà phải bền vững. Đồng thời, các cấp cần tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 95% trong năm 2022, tạo động lực cho tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.