Hà Nội kết nối

Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận tăng trưởng đột phá

Nguyễn Lê 22/06/2023 - 12:34

Tăng trưởng của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu dựa vào vốn và lao động, chưa ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng đột phá.

anh-22-6.jpg
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận hội thảo.

Sáng nay (22-6), Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu, gồm các đồng chí Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

Hội thảo đã nhận được 17 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc, những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025 trên các lĩnh vực.

Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng trưởng bình quân 2%/năm. Mức tăng này bị tác động bởi giai đoạn 2021-2022, khi nền kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng bình quân giai đoạn này chỉ 1,58%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thành phố ước tăng 3,55% so cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố chưa ghi nhận dấu hiệu đột phá trong tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của thành phố chủ yếu dựa vào vốn và lao động.

Dù vậy, thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Theo đó, ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2023 là 1.333.191 tỷ đồng, đạt 109,18% so với dự toán và tăng 29,68% so với giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu bình quân đạt 26,42%/năm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, kinh tế thành phố còn nhiều tồn tại, thách thức. Quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với nhiệm kỳ trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giảm 0,47%/năm (giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,74%/năm).

Để thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các nhược điểm trong xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách cần được khắc phục đúng bản chất, căn bản và đồng bộ. Thành phố rất cần sự quan tâm của Trung ương, cần những cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát triển trong giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, đến nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Những kết quả đạt được tương đối quan trọng, thể hiện ở các khía cạnh như: Duy trì ổn định đời sống nhân dân, đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững; công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại được bảo đảm trong tình hình thế giới rất phức tạp.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ nghiên cứu thật kỹ, tiếp thu tối đa và chọn lọc các phát biểu của các đại biểu tại hội thảo, để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn tiếp tục xây dựng đường lối đổi mới của Đảng sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận tăng trưởng đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.